Đà Nẵng hủy thầu dự án Nhà máy nước Hòa Liên: Những quyết định bất nhất

Hương Thu 19/02/2020 15:01

Vừa qua, người dân TP Đà Nẵng vẫn chưa hết lo lắng khi dự án Nhà máy nước Hòa Liên “bất ngờ” bị hủy kết quả đấu thầu, kèm theo đó, nỗi lo về “an ninh nước sạch” của TP lại tiếp gia tăng.

Câu chuyện hủy thầu dự án Nhà máy nước Hòa Liên sẽ chẳng có gì khiến dư luận quan tâm nếu một số doanh nghiệp tham gia đấu thầu nhưng không trúng thầu lại làm đơn kiến nghị phản đối và trước đó chính Ban Quản lý dự án Đầu tư XD các công trình DD&CN đã trả lời “triển khai công tác đấu thầu đúng trình tự thủ tục của Luật đấu thầu và các nghị định hướng dẫn”. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau (17/02/2020) cũng chính BQL này ký thông báo huỷ kết quả trúng thầu.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục tái diễn nếu dự án Nhà máy nước Hòa Liên tiếp tục chậm triển khai.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục tái diễn nếu dự án Nhà máy nước Hòa Liên tiếp tục chậm triển khai.

Chuyện lạ có thật.

Cụ thể, ngay sau khi công bố đơn vị trúng thầu thì một số doanh nghiệp tham gia đấu thầu nhưng không trúng thầu đã làm đơn kiến nghị phản đối vì bị loại ở bước đánh giá tính hợp lệ của đơn dự thầu.

Cuối tháng 10/2019, tại một cuộc họp báo của UBND thành phố Đà Nẵng, trả lời trước gần 100 phóng viên tham dự, đối với việc lựa chọn nhà thầu của Ban Quản lý dự án Đầu tư XD các công trình DD&CN (BQL) liệu đã thực hiện đúng quy định, có đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu hay không.

Việc hủy và mời thầu “chóng vánh” của Ban Quản lý dự án Đầu tư XD các công trình DD&CNp/TP Đà Nẵng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.

Việc hủy và mời thầu “chóng vánh” của Ban Quản lý dự án Đầu tư XD các công trình DD&CN TP Đà Nẵng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.

Ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư XD các công trình DD&CN đã thông tin cho biết: “Gói thầu của dự án nhà máy nước Hoà Liên được tổ chức đấu thầu vào ngày 27/8/2019 đến ngày 16/9/2019 mở thầu. Trong quá trình triển khai công tác đấu thầu gói thầu này Ban Quản lý cũng đã thực hiện đúng trình tự thủ tục của Luật đấu thầu và các nghị định hướng dẫn. Trong quá trình chấm thầu thì cũng có một số ý kiến gửi đến về các nhà thầu tham gia. Thậm chí có những nhà thầu không tham gia dự thầu cũng có ý kiến và Ban QL cũng tiếp nhận với tinh thần cầu thị. Cũng có những xác minh về những ý kiến liên quan. Sau khi xác minh những ý kiến thì Ban QL cũng đã làm việc với Cục Quản lý đấu thầu để cho ý kiến và Cục Quản lý đấu thầu đã có văn bản trả lời đối với những việc Ban QL đã nêu thì Ban QL đã làm đúng theo quy định”.

Sự việc chưa dừng lại ở đó, Ngày 17/02/2020, ông Lương Thạch Vỹ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư XD các công trình DD&CN đã ký quyết định phê duyệt huỷ kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu trên với lý do “tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu”.

Tuy nhiên, sự việc chưa kịp ngã ngũ thì ngay lập tức sau đó, ngày 21/01/2020, ông Lương Thạch Vỹ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư XD các công trình DD&CN lại “cấp tốc” ký thông báo mời thầu rộng.

Như vậy, chỉ trong thời gian 04 ngày đã thông báo mời thầu lại, làm cho doanh nghiệp không kịp có một văn bản nào để giải thích hay chứng minh những vấn đề mà doanh nghiệp cần được làm rõ. Dù trước đó trong biên bản làm việc, các nhà thầu không đồng ý với những căn cứ hủy thầu mà ông Vỹ và cần làm rõ nội dung ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu nhà thầu là Công ty Đại Việt “Nhà thầu phụ có phải tham gia ký tên, đóng dấu trong phần hồ sơ thiết kế hay không” vẫn chưa được trả lời.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án nhà máy nước Hòa Liên: Vì sao Đà Nẵng “vô tư” hủy kết quả đấu thầu?

    Dự án nhà máy nước Hòa Liên: Vì sao Đà Nẵng “vô tư” hủy kết quả đấu thầu?

    05:40, 05/02/2020

  • Đà Nẵng: Sẽ vận hành nhà máy nước Hòa Liên vào năm 2020

    Đà Nẵng: Sẽ vận hành nhà máy nước Hòa Liên vào năm 2020

    03:55, 05/12/2018

  • Vì sao Đà Nẵng từ chối ODA Nhật Bản trong xây dựng nhà máy nước Hòa Liên?

    Vì sao Đà Nẵng từ chối ODA Nhật Bản trong xây dựng nhà máy nước Hòa Liên?

    12:00, 20/11/2018

Pháp lý đầy đủ vẫn không được công nhận?

Ngay sau khi Ban Quản lý dự án Đầu tư XD các công trình DD&CN ra quyết định hủy kết quả thầu gói thầu Thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp công trình thuộc dự án nhà máy nước Hòa Liên với lý do: “Công ty Đại Việt là nhà thầu phụ không có tên, đóng dấu trong hồ sơ thiết kế công trình tương tự đã tham gia thầu nên không đáp ứng được các yêu cầu hồ sơ mời thầu”, Công ty Đại Việt đã cung cấp hồ sơ hợp đồng đã được ký kết làm nhà thầu phụ cho nhà thầu chính là Công ty CP Tư vấn Cấp thoát nước và Môi trường (Cty WASE) cùng thực hiện công tác lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình dự án mở rộng nhà máy nước Dĩ An có công suất 100.000m3/ngđ với tổng giá trị hợp đồng là 1.580.000.000 đồng.

Qua xác minh, hồ sơ mời thầu gói thầu Thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp công trình thuộc dự án nhà máy nước Hòa Liên thì Công ty Đại Việt tham gia dự thầu với vị trí là nhà thầu tư vấn thiết kế.

Cụ thể, theo hợp đồng đã được ký kết cùng biên bản nghiệm thu, hóa đơn giá trị gia tăng đã xuất cho nhà thầu chính và nguồn tiền đã được thanh toán theo hợp đồng. Đồng thời đã được chủ đầu tư xác nhận hoàn thành dịch vụ tư vấn đối với dự án.

Tại biên bản xác minh ngày 27/09/2019, nhà thầu chính là Cty WASE đã xác nhận Công ty Đại Việt hiện đang hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình nhà máy nước thuộc dự án mở rộng nhà máy Dĩ An theo hợp đồng đã được ký kết và đã được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành dịch vụ tư vấn. Điều này một lần nữa khẳng định Công ty Đại Việt là đơn vị có tham gia thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục của dự án nhà máy nước Dĩ An.

Đối với việc vì sao Công ty Đại Việt không có tên trên hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công bởi vì “khi tham gia thiết kế bản vẽ thi công, dự toán các hạng mục của dự án nhà máy nước Dĩ An, Công ty Đại Việt làm nhà thầu phụ, thực hiện công việc thiết kế theo quy định của hợp đồng đã được ký kết với nhà thầu Công ty Đại Việt theo quy định. Điều này không có nghĩa là không có tên trên hồ sơ thiết kế là không tham gia thiết kế”, đại diện nhà thầu cho biết.

Xác nhận cho vấn đề này, chủ đầu tư dự án mở rộng nhà máy Dĩ An cũng đã có ý kiến: Công ty CP Tư vấn cấp thoát nước môi trường là nhà thầu chính nên là đơn vị chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về chất lượng hồ sơ thiết kế đã đủ điều kiện về pháp lý để trình thẩm định, phê duyệt. Do vậy, không cần thiết phải để tên nhà thầu phụ là Công ty Đại Việt vào hồ sơ. Hiện nay gói thầu tư vấn đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu và đã được Sở Xây dựng Bình Dương cấp giấy phép xây dựng.

Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 tại khoản 36 Điều 4 cũng đã quy định “ Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng đã ký với nhà thầu chính”.

Mặt khác, qua kiểm tra thực tế được biết đối Công ty Đại Việt đã hoàn thành xong hồ sơ thiết kế dự án mở rộng nhà máy nước Dĩ An và đã gửi bản vẽ thi công cho nhà thầu chính, được nhà thầu chính ký biên bản nghiệm thu ngày 25/4/2019.

Đáng nói, toàn bộ những hồ sơ trên đã được Công ty Đại Việt nộp cho Ban Quản lý dự án Đầu tư XD các công trình DD&CN để chứng minh năng lực thực tế đã từng tham gia việc thiết kế, thi công công trình nhà máy nước tương tự nhưng vẫn không được công nhận.

Dự án nhà máy nước Hòa Liên đang được dư luận đặc biệt quan tâm, sự việc không chỉ dừng lại ở câu chuyện đúng, sai trong việc chọn nhà thầu thực hiện dự án mà còn liên quan đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 1 triệu dân sống tại TP Đà Nẵng. Và hơn lúc nào hết, những thiệt hại về kinh tế và đặc biệt là niềm tin của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước khi họ bất nhất trong các quyết định đang khiến môi trường đầu tư và cơ hội việc làm của người dân và  doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Hương Thu