Sai phạm trong hoạt động xây dựng (Kỳ 3): Trách nhiệm thuộc về ai?
Thời gian qua, dư luận đã “điểm mặt chỉ tên” hàng loạt dự án “khủng” vướng sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, câu hỏi về “trách nhiệm” vẫn chưa có lời đáp…
Câu chuyện xử lý sai phạm kiểu “đánh trống bỏ dùi” xảy ra tại nhiều địa phương khi chỉ khiển trách, kiểm điểm đến luân chuyển cán bộ có trách nhiệm liên quan, còn vi phạm không những không được xử lý mà còn tiếp tục phát sinh, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Mới đây, tại Dự án Khu đô Thị Premia Eco City Buôn Mê Thuột, công ty TNHH Đầu tư Phát triển đô thị Đắk Lắk dính sai phạm nghiêm trọng khi xây dựng trên đất công. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao người dân chỉ cần lấn, xây dựng nhà tạm trên đất công là bị xử phạt, bắt cưỡng chế ngay lập tức, còn sai phạm của doanh nghiệp này lại được chính quyền “ưu ái” tạo điều kiện “hợp thức hoá”.
Trong vụ việc này, sai phạm đã bị thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ và xử phạt, thế nhưng trách nhiệm trong công tác quản lý xây dựng tại địa phương lại không được đề cập tới. Suốt thời gian dài doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động xây dựng thì các cơ quan chức năng tại địa phương ở đâu? Trách nhiệm trong công tác quản lý thuộc về ai? Hay có chăng doanh nghiệp cũng chỉ cần nộp phạt hành chính thì sai phạm vẫn nghiễm nhiên tồn tại và câu chuyện trách nhiệm cũng không cần nhắc tới?Tại Hà Nội, những ngày qua, dư luận cả nước cũng vô cùng bức xúc bởi, chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” mà lãnh đạo UBND quận Hà Đông không biết để xử lý sai phạm ngay từ đầu? Phải đến khi hàng loạt cơ quan báo chí lên tiếng thì Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải yêu cầu thanh tra làm rõ trách nhiệm UBND các cấp phường, quận để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà; Làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật.,.
Còn nhớ, xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng thẳng thắn, nguyên nhân là do việc phát hiện vi phạm không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ của không ít cán bộ cơ sở, vị lãnh đạo đứng đầu TP Hà Nội còn nhấn mạnh: “Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các cấp UBND thành phố và cả Chủ tịch UBND thành phố".
Dư luận dường như được “xoa dịu” trước những động thái được cho là “kịp thời” thể hiện sự quyết liệt của vị lãnh đạo đứng đầu thành phố. Thế nhưng, liệu chăng kết quả thanh tra về trách nhiệm tại địa phương này có được làm rõ và xử lý nghiêm minh? Dư luận vẫn đang hoài nghi, bởi thời gian qua, chuyện xử lý sai phạm kiểu 'đánh trống bỏ dùi' tại Thủ đô đã không phải chuyện lạ(!?).
Tại các tỉnh thành khắp cả nước, việc các công trình vi phạm trong hoạt động xây dựng cũng đang diễn biến phức tạp, và bài toán về trách nhiệm trong công tác quản lý ở nhiều địa phương vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Mới đây nhất, khi tiến hành Thanh tra, rà soát trong tổng số 2.228 công trình về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thì có đến gần 50% công trình xây dựng có sai phạm.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã yêu cầu UBND TP. Nha Trang khẩn trương báo cáo về tình hình khắc phục hậu quả, cưỡng chế tháo dỡ đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại một số khu vực đã được HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát và có ý kiến chỉ đạo, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/3.
Thế nhưng, liệu chăng, chuyện trách nhiệm trong công tác quản lý xây dựng tại Nha Trang sẽ được làm rõ? Hay khẩu hiệu “quyết liệt trong xử lý” chỉ được “hô vang” để dẹp yên dư luận? Người dân vẫn đang mong ngóng việc pháp luật được thực thi thật nghiêm minh tại địa phương này.
Những thực trạng trên không chỉ gây nên làn sóng bức xúc trong dư luận mà còn kèm theo đó là những hoài nghi về việc: Có hay không tư lợi cá nhân và lợi ích nhóm? Đáng nói, một câu hỏi luôn thường trực sau các công trình vi phạm là “trách nhiệm thuộc về ai?” nhưng hỏi mãi vẫn chưa thể tìm ra lời đáp. Phải chăng, trách nhiệm chẳng thuộc về ai nên sai phạm mới ngang nhiên tồn tại để rồi thiệt hại dành phần cho doanh nghiệp.
Trở lại câu chuyện trách nhiệm tại địa phương đang vướng hàng loạt sai phạm “đình đám”, trao đổi với PV, ông Hoàng Đức Khánh – Giám đốc Sở Xây dựng, tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Việc quản lý hoạt động xây dựng phải được hiểu cụ thể theo từng cấp. Mỗi đơn vị quản lý hành chính Nhà nước đều có thẩm quyền chức năng riêng trong quản lý hoạt động xây dựng. Chúng tôi cũng đã thực hiện tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế quản lý phân cấp đối với hoạt động của lĩnh vực này.
Ông Khánh cho rằng: Xét trên góc độ quản lý Nhà nước thì địa phương nào để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đơn cử như phường, xã hay Thị trấn thì những công trình xây dựng khi được đặt trên địa bàn đều phải xuất trình đầy đủ thủ tục hành chính đơn vị được cấp. Nếu không có đầy đủ thủ tục theo quy định, địa phương hoàn toàn có thể yêu cầu dừng hoạt động xây dựng đó hay đình chỉ hoạt động xây dựng khi phát hiện sai phạm, báo cáo cấp trên nếu vượt quá thẩm quyền,…
Có thể bạn quan tâm
Vụ “phá hủy” công viên nước Thanh Hà: Chính quyền “lạm dụng” cưỡng chế?
10:40, 12/02/2020
Nghi vấn chiếm dụng đất Dự án hồ Yên Sở: UBND quận Hoàng Mai có “bỏ quên” trách nhiệm?
15:10, 24/02/2020
Dự án cấp bách “giậm chân tại chỗ” tại Định Hóa, Thái Nguyên: Nghi vấn nhà thầu thiếu năng lực?
05:20, 26/11/2019
Bất lực quản lý xây dựng
11:30, 28/11/2019
Còn xét trên góc độ tồn tại hay không để cho tồn tại của công trình vi phạm hoạt động xây dựng thì còn phụ thuộc vào những quy định của pháp luật, khung hình phạt công trình đã vi phạm.
Vậy, hoạt động quản lý trong lĩnh vực xây dựng đều có sự phân cấp rất rõ ràng về trách nhiệm xử lý, nhưng tại sao còn có bao nhiêu công trình xây dựng sai phạm đã xảy ra mà người chịu trách nhiệm vẫn thản nhiên “thăng tiến”. Đây phải chăng là một nghịch lý đang tồn tại?
Xung quanh vấn đề sai phạm trong hoạt động xây dựng và câu chuyện trách nhiệm trong công tác quản lý, báo Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng kính mời quý độc giả tiếp tục đón đọc những bài viết tiếp theo tại chuyên mục: Diễn đàn Pháp luật