Huyện Thới Lai (Cần Thơ): Ban Quản lý dự án tự đặt ra quy định làm khó doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp xây dựng “tố” Ban Quản lý dự án huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ tự ý đặt ra các điều kiện trong mời thầu để làm khó doanh nghiệp.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xây dựng tại địa phương: Gói thầu sửa chữa Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Thới Lai và xây dựng 2 phòng học tại trường mầm non Trường Thành của Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Thới Lai được đăng thông tin mời thầu trên báo Đấu thầu ngày 20/02/2020 dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến 2 dự án trên đã vào cổng thông tin Hệ thống đấu thầu quốc gia xem hồ sơ mời thầu để tham gia dự thầu. Tuy nhiên, khi tra cứu thì phát hiện đơn vị mời thầu đã tự đặt ra những điều kiện sai luật gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể trong mục yêu cầu kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng thi công xây dựng có yêu cầu như sau:
“Các doanh nghiệp tham gia dự thầu phải từng thi công đã quyết toán có số lượng tối thiểu (thầu chính, hoặc thầu phụ) các hợp đồng tương tự từ 02 hợp đồng trở lên có giá trị tối thiểu là 1,5 tỷ đồng/hợp đồng, tổng ≥ 3 tỷ đồng trong vòng 3 năm trở lại; về bản chất và độ phức tạp: phân cấp công trình dân dụng, loại công trình phải là công trình giáo dục, cấp III trở lên”...
Theo ông N.H.Đ, Giám đốc một Công ty xây dựng tại Cần Thơ: “Công trình xây dựng, sửa chữa phòng học thực chất là công trình dân dụng và với số tầng cao chỉ một tầng, tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ đồng thì rất nhiều công ty xây dựng dư điều kiện để thi công. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư đưa ra điều kiện ràng buộc “phải từng làm công trình giáo dục” thì dù cho các đơn vị từng thi công những công trình dân dụng lớn hơn nhiều lần, mà chưa từng thi công công trình giáo dục thì cũng bị loại ngay từ đầu, đây là điều kiện vô lý và sai luật”.
Theo Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn luật sư TP.Cần Thơ: Việc Ban Quản lý dự án huyện Thới Lai đặt ra điều kiện “là đơn vị từng thi công từ 2 dự án công trình giáo dục mới được tham gia dự thầu" là sai quy định, bởi theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lập hồ sơ mời thầu như sau:
“Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá). Trong Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Có thể bạn quan tâm
Dự án nhà máy nước Hòa Liên: Vì sao Đà Nẵng “vô tư” hủy kết quả đấu thầu?
05:40, 05/02/2020
Đà Nẵng lọt top 3 cả nước về tỷ lệ đấu thầu qua mạng
07:24, 14/01/2020
Vụ chủ đầu tư “ém” thông tin kết quả đấu thầu ở Hà Tĩnh: Các cơ quan đang “câu giờ” cung cấp thông tin?
11:05, 19/12/2019
Đấu thầu qua mạng chậm triển khai: Khó đổ lỗi cho công nghệ
11:05, 08/12/2019
Từ vụ Nhật Cường bóc trần những lỗ hổng trong công tác đấu thầu
05:15, 03/12/2019
Sáng ngày 25/2, PV tiếp tục gọi điện đề nghị được gặp trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại xung quanh phản ánh của doanh nghiệp, thì ông Khánh tiếp tục hứa sẽ làm việc với đơn vị tư vấn là Cty CP tư vấn xây dựng Lợi Hòa và trả lời cho báo vào buổi chiều.
Tuy nhiên, cho đến chiều ngày 26/2 PV vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ đơn vị mời thầu- Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Thới Lai.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!