Vì sao phải đưa hộ kinh doanh vào luật?

TS. Đinh Đức Sinh 02/04/2020 11:10

Nếu "không cần đưa Hộ kinh doanh vào luật" thì 5 triệu Hộ kinh doanh đang đóng góp tới 30%GDP, thu hút hàng chục triệu lao động xã hội sẽ tiếp tục phát triển tự phát như hàng chục năm qua.

Trong chương trình làm luật của mình thuộc nhiệm kỳ 2016-2020, Quốc hội đã ghi rõ việc phải sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tiếp tục đổi mới đối với khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế trong thời gian tới. 

p/Trên 95% hộ kinh doanh luôn chỉ là những đơn vị kinh doanh nhỏ, không thể lớn lên được, đặc biệt không thể phát triển thành các loại hình kinh doanh trong phân khúc doanh nghiệp tư nhân.

Trên 95% hộ kinh doanh luôn chỉ là những đơn vị kinh doanh nhỏ, không thể lớn lên được, đặc biệt không thể phát triển thành các loại hình kinh doanh trong phân khúc doanh nghiệp tư nhân.

Thực hiện chương trình đó, Chính phủ đã giao cho những cơ quan chức năng soạn thảo dự luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến lần đầu vào cuối năm 2019, và lần thứ hai vào giữa tháng 3/2020 về dự luật này. Trong cả hai lần đó, Chính phủ đã đưa vào dự luật những sửa đổi, bổ sung nhiều chương, mục, điều khoản trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, trong đó bổ sung hẳn một chương hoàn toàn mới (chương VIIa) qui định về Hộ kinh doanh (HKD).

Chương VIIa không phải là “vật ký sinh”

Sở dĩ phải có sự bổ sung ở qui mô "một chương mới" như vậy là vì Luật Doanh nghiệp tuy đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng đều nhất nhất bỏ lại phía sau đối với HKD. Thật may mắn, ở lần thứ 5 này, HKD đã được nhớ tới, tuy muộn, thậm chí quá muộn, nhưng vẫn đáng được trân trọng. Trong dự luật này, phần về chương VIIa còn cần được tiếp tục hoàn thiện để trình ra Quốc hội trong thời gian tới, chứ không có nghĩa là "không cần đưa HKD vào luật".

Những lập luận "không cần đưa HKD vào luật" phần lớn đều là những vấn đề thuộc về qui trình, qui phạm, kỹ thuật văn bản trong soạn thảo luật, tuy có khó khăn, phức tạp nhưng đều có thể vượt qua bởi con người làm ra luật chứ không phải ngược lại. Nếu chương VIIa chưa có định nghĩa về HKD, thì việc này sẽ được bổ sung, đâu khó.

Lo lắng về chương VIIa sẽ phá vỡ tính hệ thống vững chắc của Luật Doanh nghiệp cũng sẽ không khó để giải tỏa (cần lưu ý rằng trong hệ thống vững chắc của Luật Doanh nghiệp cũng đã có tên về HKD tại Điều 183, chương VII). Cho rằng chương VIIa như một vật ký sinh bám miễn cưỡng vào một thực thể là một ví von thiếu xác đáng, bởi HKD là một thực thể chiếm tới 30% GDP, không phải là vật ký sinh bám vào phần thấp hơn nhiều lần trong GDP của tất cả các loại hình doanh nghiệp tư nhân trong nước cộng lại.

Liệu có “đơm đó ngọn tre”?

Nếu "không cần đưa HKD vào luật" thì đến bao giờ chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với các hình thức kinh doanh đa dạng, trong đó có thành phần "Kinh tế tư nhân, tiểu chủ, cá thể" mới được luật hóa để đưa vào cuộc sống. Rất đáng mừng là loại hình kinh doanh Doanh nghiệp tư nhân trong nước (và cả Doanh nghiệp tư nhân nước ngoài, cùng với Doanh nghiệp nhà nước) đã sớm được luật hóa từ thế kỷ trước, tạo bước ngoặt lớn trong phát triển nền kinh tế-xã hội đất nước từ đó cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, thành phần Kinh tế tư nhân đâu chỉ có độc nhất các loại hình kinh doanh thuộc phân khúc "tư nhân", mà còn có các loại hình kinh doanh đa dạng khác thuộc phân khúc "Tiểu chủ", "Cá thể" mà cho đến nay vẫn chưa được luật hóa, trong đó có loại hình HKD. Về vấn đề này, các tổ chức làm luật trong hệ thống nhà nước còn nặng một món nợ với Đảng và cũng là với xã hội, đó là chưa đưa HKD vào luật.

Nếu "không cần cần đưa HKD vào luật" thì 5 triệu HKD đang đóng góp tới 30%GDP, thu hút hàng chục triệu lao động xã hội sẽ tiếp tục phát triển tự phát như hàng chục năm qua. Nếu loại hình Doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ đóng góp không đến 10%GDP mà đã sớm được luật hóa, còn loại hình HKD đóng góp gấp 3 lần lớn hơn lại để phát triển tự phát, thì chủ trương về phát triển nền kinh tế Việt Nam theo tiêu chuẩn hiệu quả và bền vững liệu có là "đơm đó ngọn tre".

Có thể bạn quan tâm

  • “Doanh nghiệp hoá” hộ kinh doanh

    “Doanh nghiệp hoá” hộ kinh doanh

    08:20, 29/03/2020

  • Luật hóa quản lý hộ kinh doanh

    Luật hóa quản lý hộ kinh doanh

    11:00, 23/03/2020

  • Khơi thông nguồn vốn cho các hộ kinh doanh

    Khơi thông nguồn vốn cho các hộ kinh doanh

    18:09, 08/01/2020

Nếu "không cần đưa HKD vào luật" thì hàng loạt vấn đề pháp lý khác về HKD sẽ căn cứ vào đâu để ban hành qui định và triển khai thực hiện. Nếu chủ HKD chỉ có quyền và nghĩa vụ của một công dân, mà không có quyền và nghĩa vụ của một chủ kinh doanh thì sự nghiệp kinh doanh của họ liệu có thành đạt. Trên thực tế, trong 5 triệu HKD thì có tới trên 95% luôn luôn chỉ là những đơn vị kinh doanh nhỏ, không thể lớn lên được, đặc biệt không thể phát triển thành các loại hình kinh doanh trong phân khúc tư nhân.

Những vấn đề nêu ra trên đây tuy chưa phải là tất cả, nhưng cũng đủ để minh chứng rằng vì sao phải đưa HKD vào luật. Còn đưa vào luật như thế nào thì có thể thực hiện theo nhiều cách, trong đó nổi lên hai phương án: 1/ Hoàn thiện chương VIIa để đưa vào Luật sửa đổi. bổ sung luật Doanh nghiệp mà Chính phủ đã và đang chuẩn bị để trình Quốc hội trong kỳ họp giữa năm 2020 tới; 2/Đưa vào chương trình làm luật của Quôc hội nhiệm kỳ 2021-2025 việc ban hành luật về HKD.

Trong hai phương án trên thì chọn phương án 1 là hợp lý hơn bởi: Đó là cách nhanh nhất để đưa HKD vào luật, mặc dù đã bị muộn trên 2 thập kỷ; Nếu có gì còn khiếm khuyết thì chương VIIa còn có dịp để được sửa đổi, bổ sung trong những năm sau, cũng giống như những gì mà Luật Doanh nghiệp đã từng trải qua nhiều lần từ năm 2005 đến nay. 

TS. Đinh Đức Sinh