Cách nào ngăn chặn nạn “cát tặc”?
Tại nhiều địa phương hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra bất kể ngày đêm, hàng nghìn tấn cát bị khai thác mỗi năm, các cơ quan chức năng biết rõ nhưng không thể ngăn chặn?
Mới đây, tại Nam Định, Cảnh sát môi trường đã phải nổ súng chỉ thiên để cảnh cáo, buộc dừng 3 tàu đang hút trộm cát thì bỏ chạy khi thấy bóng dáng công an.
Theo Phòng Cảnh sát Môi trường (PC05), Công an tỉnh Nam Định, vào 5h30 ngày 21/4 lực lượng của đơn vị phối hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an địa phương, Công ty CP quản lý Đường sông số 5 đã phát hiện, bắt quả tang 3 tàu đang hút trộm cát từ lòng sông Hồng (đoạn qua địa bàn xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường).
Bước đầu xác định, chủ của 3 tàu hút trộm cát là Đoàn Văn Ái; Nguyễn Văn Lương; Nguyễn Công Mạnh, đều trú tại huyện Xuân Trường (Nam Định). Tại thời điểm kiểm tra, 3 chủ tàu không xuất trình được giấy phép khai thác cát... Sau đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ tang vật, phương tiện. Hiện Trung tâm Ứng dụng dịch vụ Khoa học và Công nghệ tỉnh thẩm định khối lượng cát thực tế các phương tiện trên đã khai thác trái phép, làm căn cứ xử lý theo pháp luật...
Không riêng gì Nam Định, nhiều địa phương khác: Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… hoạt động khai thác cát bất hợp pháp vẫn thường xuyên diễn ra, gây bức xúc cho người dân.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin về nạn “cát tặc”, chúng tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện tưởng chừng là vô lý nhưng lại là sự thật hiện hữu. Tại xã Việt Thuận (Thái Bình) cả làng phải sắm cái kẻng, cứ thấy tàu vào hút cát là đánh kẻng, rồi cả làng ùa ra, gọi chính quyền tới xử lý. Nhưng tàu thì đỗ ngoài xa, người dân đứng trên bờ, đến khi lực lượng chức năng tới thì các tàu hút trộm cát này đã kịp thu lại các vòi bạch tuộc và di chuyển. Để rồi hàng ngày, hàng giờ người dân lại cắt cử nhau trông coi, đánh kẻng và nạn “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động trong sự nơm nớp lo sợ của nhân dân.
Người dân không có phương tiện, không có chức năng xử lý đã đành nhưng đến cơ quan chức năng còn "bó tay", không thể xử lý. Cứ hôm nay đuổi ngày mai họ lại tới, cứ thu giữ tàu này thì lại có tàu khác. Thậm chí, khi bị phát hiện hoặc xua đuổi, “cát tặc” sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, một lãnh đạo địa phương tại Hải Phòng đã kể cho chúng tôi câu chuyện trải nghiệm đáng sợ của chính bản thân trong quá trình truy đuổi “cát tặc”. Vị này kể, rất nhiều lần phát hiện tàu vào hút cát trộm nhưng khi lực lượng chức năng đến nơi thì chúng đã kịp thời tẩu thoát. Không còn cách nào khác, một buổi tối vị này đã cùng một anh em thuộc bộ đội biên phòng lên một chiếc tàu, áp sát tàu đang hút cát trộm trên địa bàn.
"Khi tôi vừa đặt chân lên tàu hút cát, các đối tượng “cát tặc” liền bất ngờ cho tàu chạy khiến tôi không kịp trở tay. Họ chạy một mạch lên đến Hải Dương thì thả cho tôi về. May thay mà họ còn thả cho về chứ họ mà vứt xuống biển thì chắc mất xác" – vị này chia sẻ.
Có thể, lúc được kể câu chuyện chỉ mang tính giải trí nhưng thế mới biết “cát tặc” hung hăng, “vô pháp vô thiên” đến mức độ nào.
Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tại vùng biển các quận, huyện như Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng (Hải Phòng), các đối tượng khai thác cát trái phép không chỉ đơn thuần là hút trộm cát mà còn “cướp” cát một cách trắng trợn. Các cơ quan chức năng Hải Phòng biết rõ nhưng tình trạng này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Có thể bạn quan tâm
"Cát tặc" lộng hành tại Hải Phòng
14:00, 26/03/2020
Liên tiếp phát hiện và bắt giữ “cát tặc”
04:50, 23/03/2020
“Cát tặc” vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi
05:30, 30/12/2019
Vụ "Cát tặc tấn công chân cầu Rạch Miễu": Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm
19:14, 02/05/2019
Trước thực tế trên, Bộ TNMT đã đề xuất, cần đẩy mạnh và thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác gắn với bảo vệ môi trường, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khai thác thực tế; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường.
Bộ TNMT cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thành việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Theo Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông chính thức có hiệu lực thi hành ngày 10/4/2020, quy định, khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở sẽ bị cấm khai thác cát, sỏi.
“Nghị định đi vào cuộc sống sẽ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông” Bộ TNMT nhận định.