Phạt nặng hành vi xả thải độc hại – Ô nhiễm môi trường có “hạ nhiệt”?

Gia Nguyễn 07/05/2020 05:35

Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nóng trong nhiều năm trở lại đây, nguyên nhân được cho là do sự bùng nổ dân số, đô thị hóa,… đặc biệt là hoạt động xả thải trong sản xuất, khai khoáng gia tăng.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), đến cuối năm 2019, cả nước có 372 khu công nghiệp được thành lập. Trong đó, có 280 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tăng 29 khu công nghiệp so với 2018 và 92 khu công nghiệp đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, có 698 cụm công nghiệp đang hoạt động (tăng 9 cụm công nghiệp so với năm 2018).

sdgf

Vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất thường xuyên xảy ra trong thời gian vừa qua

Cũng theo Bộ TN-MT, có khoảng hơn 4.500 làng nghề, trong đó có hơn 2.000 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận (tăng 170 làng so với năm 2018); có 833 đô thị (tăng 20 đô thị so với năm 2018), tỉ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,2%, tăng 0,8% so với năm 2018.

Bên cạnh sự gia tăng về số lượng của các khu, cụm công nghiệp là sự tồn tại của những dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hoá dầu, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật,...

Trên thực tế, thời gian vừa qua, hàng loạt những vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất cũng liên tục diễn ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, báo chí liên tục phản ánh về hiện trạng doanh nghiệp sản xuất gây bức xúc trong dư luận như:

Cụm Công nghiệp Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk “tra tấn” người dân quanh khu vực buôn Sút M’Grư và thôn 6, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar bởi mùi hôi thối nồng nặc từ các loại hóa chất, chất thải trong các nhà máy xả ra. Các chất thải này chưa qua xử lý nhưng vẫn được doanh nghiệp xả thẳng ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và môi trường sinh thái quanh khu vực. Sau khi cơ quan báo chí vào cuộc, đơn vị quản lý cũng cam kết sẽ xử lý dứt điểm hiện trạng trên, tuy nhiên, đây cũng là hồi chuông cảnh báo.

Hay, ngay trong 03/2020, người dân quanh khu vực sông Cùng và Cầu Gáo xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội bức xúc “tố” Công ty cổ phần chế tạo biến thế điện lực Hà Nội – MBT (Điểm công nghiệp Sông Cùng) xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cây trồng của người dân. Theo đó, cơ quan chuyên môn của địa phương này đã vào cuộc lấy mẫu nước thải đi xét nghiệm và vẫn chưa thấy có phản hồi trên cơ quan báo chí.

fgdfg

Xả thải gây ô nhiễm luôn là vấn đề nóng trong nhiều năm trở lại đây

Thống kê của Bộ TN-MT cũng cho thấy, hiện nay trên cả nước có trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy; 25 nhà máy nhiệt điện than đã vận hành thương mại, với tổng công suất lắp đặt là 18.294 MW; 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên… cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn, đặc biệt là nguy cơ xả thải trực tiếp vào nguồn nước.

Thực trạng trên, không chỉ nóng ở hiện tại mà rất nhiều năm trở lại đây đã là vấn đề mấu chốt khiến dư luận quan ngại. Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã có nhiều quy định về quản lý, thắt chặt hoạt động đảm bảo môi trường, nhưng trước tốc độ phát triển như hiện nay, nhiều quy định trong Luật đã cho thấy sự bất cập, chưa bắt kịp tình hình, nên việc dự thảo, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường đã và đang được tiến hành.  

Trong mọi Chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định: “Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển”, trên thực tế, Chính phủ cũng liên tiếp ban hành nhiều Nghị định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (cụ thể là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015).

Đặc biệt, ngày 24/03/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/05/2020.

Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức. Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo đó, phạt tiền từ 220-250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.

Nhận định về Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN cho biết: Tài nguyên nước và khoáng sản là vô cùng quan trọng, nên việc có những chế tài nghiêm khắc trong công tác quản lý như Nghị định số 36/2020/NĐ-CP là hết sức cần thiết. Bảo vệ được tài nguyên nước và khoáng sản cũng sẽ góp phần vào công tác bảo vệ môi trường nói chung.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: 6.090 lít xăng không có nguồn gốc bị bắt giữ

    Quảng Ninh: 6.090 lít xăng không có nguồn gốc bị bắt giữ

    10:31, 06/05/2020

  • Quảng cáo sản phẩm Vương Liễu Số - “ngựa quen đường cũ”?

    Quảng cáo sản phẩm Vương Liễu Số - “ngựa quen đường cũ”?

    04:20, 05/05/2020

  • Đề xuất cơ chế pháp lý tăng hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính

    Đề xuất cơ chế pháp lý tăng hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính

    10:25, 05/05/2020

  • Sản phẩm quảng cáo “sai sự thật”: Đừng để “đá ném ao bèo”

    Sản phẩm quảng cáo “sai sự thật”: Đừng để “đá ném ao bèo”

    05:20, 02/05/2020

  • Thêm một doanh nghiệp bị tố “làm luật” dịch vụ hỏa táng ở Nam Định

    Thêm một doanh nghiệp bị tố “làm luật” dịch vụ hỏa táng ở Nam Định

    15:02, 29/04/2020

Gia Nguyễn