Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, không ít doanh nghiệp đã tung ra những quảng cáo “sai sự thật” về sản phẩm, để đánh lừa người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều nguy hại...
Thời gian vừa qua, dư luận cảm thấy bất an, khi liên tục Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đưa ra những cảnh báo về tình trạng quảng cáo lừa dối người tiêu dùng trên một số trang web, cũng như mạng xã hội. Đặc biệt, tình trạng trên diễn ra phổ biến đối với những sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng,… tiềm ẩn nhiều nguy hại đe dọa đến tính mạng con người. Vậy, làm sao để những cảnh báo của cơ quan chức năng không rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo”?
Cảnh báo, cảnh báo và… cảnh báo
Chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, Cục An toàn thực phẩm liên tục đưa ra các khuyến cáo liên quan đến sản phẩm quảng cáo sai sự thật của các doanh nghiệp trên nền tảng website và mạng xã hội nhằm lợi dụng thị hiếu của người tiêu dùng hòng trục lợi. Đáng nói, những quảng cáo này thường không đúng công dụng của sản phẩm, cũng như tiềm ẩn nguy cơ đẩy người tiêu dùng vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Cụ thể, ngày 18/2, đơn vị này đã đăng tải cảnh báo công khai đối với 04 sản phẩm: Quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại kiện can của Công ty TNHH thương mại quốc tế Vitaco công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm; quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nano fast, sản phẩm này được Công ty TNHH MTV Nano Việt Nam công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm; quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiêu Gout Đào Đình Nhuận; quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tâm An Lạc Tiên với công dụng không đúng sự thật,… Sản phẩm này được Công ty Cổ phần dược phẩm Vạn Xuân Đường công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Hầu hết các sản phẩm này đều vi phạm quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh, sử dụng danh tính bác sỹ, bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vi phạm quy định pháp luật, lừa dối người tiêu dùng…
Hay, ngày 23/4, trên trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm, cũng đăng tải khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rizin trên một số website: suckhoevang24h.com.vn; nhansamsamac.com; suckhoe24h.net.vn;… Theo Cục An toàn thực phẩm, các website này quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rizin với công dụng không đúng sự thật, đây là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng. Sản phẩm này được Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
13:03, 01/05/2020
04:50, 01/05/2020
15:02, 29/04/2020
11:07, 29/04/2020
05:05, 29/04/2020
Cũng theo thông tin từ trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm, ngày 27/4, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Glu metaherb của Công ty CP Dược liệu Phương Đông chịu trách nhiệm và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Trường Xuân Vương của Công ty CP dược phẩm Phát Đạt công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm, cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Đáng nói, ngày 29/4, Cục An toàn thực phẩm đã công khai cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Navigout do Công ty TNHH Thương mại IAC công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, sau cảnh báo trên của Cục an toàn thực phẩm, sản phẩm Navigout vẫn tiếp tục được quảng cáo tràn lan có nhiều dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng trên nhiều trang web như navigout.vuikhoehangngay.xyz/; xkmh.xuongkhoptaigia.xyz/; mochoa.thaoduoc247.asia/…
Vậy, những hiện trạng trên đến bao giờ sẽ kết thúc? Và người tiêu dùng có nên đặt niềm tin vào những sản phẩm được “nổ quá đà” như vậy? Việc thông tin cảnh báo đơn thuần như hiện nay, liệu có như “đá ném ao bèo”? Thay vì cảnh báo, cảnh báo và… cảnh báo, có chăng cần phải đưa ra những biện pháp xử lý cứng rắn hơn?
… Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước thực trạng trên, PV cũng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty luật HPVN.
Theo Luật sư Hiệp, việc làm như phản ánh của PV thuộc một trong những việc bị cấm được quy định trong Luật Quảng cáo 2012: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh; khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng; giá, công dụng; kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu; xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ; thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”.
"Đối với trường hợp này, có thể áp dụng quy định xử phạt vi phạm theo khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Ngoài ra, người thực hiện quảng cáo phải có trách nhiệm tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai", Luật sư Hiệp cho biết.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, đối với hành vi quảng cáo gian dối, còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Việc quảng cáo sản phẩm “sai sự thật” không chỉ là hành lừa dối người tiêu dùng mà còn có dấu hiệu cạnh tranh thiếu công bằng, gian lận thương mại cần phải được xử lý nghiêm, tránh để những cảnh báo của cơ quan quản lý như “đá ném ao bèo”.