Tài nguyên rừng “chảy máu” – Bài 1: “Vết cắt” từ đâu?
Hai cụm từ “lâm tặc” không còn xa lạ với dư luận trong thời gian vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn, liên tục các cánh rừng nguyên sinh tại nhiều tỉnh thành bị các đối tượng này tấn công, tàn phá…
Chỉ tính riêng trong thời gian vừa qua, hàng loạt những cánh rừng trên nhiều địa phương rơi vào tình trạng “chảy máu” bởi sự hoành hành của lâm tặc. Không chỉ gọn gàng đốn hạ nhiều cây gỗ lớn tại rừng nguyên sinh, các đối tượng trộm cắp tài nguyên rừng còn dễ dàng vận chuyển “hàng” vừa khai thác được ra khỏi nơi gây án một cách an toàn. Đáng nói, khi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phát hiện được rừng bị xâm hại thì hầu hết lâm tặc đã rút đi, xung quanh chỉ còn trơ gốc, cành ngọn và gỗ bìa…
Không chỉ tàn phá một lần, nhiều cánh rừng, cũng như địa bàn sở tại luôn trở thành điểm nóng cho lâm tặc hoành hành, cụ thể, giữa tháng 4/2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã phát hiện một vụ phá rừng gỗ lim tại Tiểu khu 317 do Lâm trường Trường Sơn quản lý thuộc địa phận xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tại hiện trường, 5 cây gỗ lim bị lâm tặc cưa xẻ lấy đi gỗ khối, chỉ còn trơ gốc, cành ngọn và ít gỗ bìa. Lực lượng chức năng cũng phát hiện khoảng 45 hộp gỗ lim, khối lượng hơn 4,3 m3 chôn vùi dưới đất.
Hiện trạng còn đó nhưng lâm tặc đâu? Thực hiện hành vi khi nào? Thì chính địa phương và các lực lượng chức năng tại nơi đây cũng chưa thể có câu trả lời cho dư luận. Và chưa đầy một tháng sau, lâm tặc tiếp tục tấn công, tàn phá tại nơi này, theo ghi nhận của cơ quan báo chí, vấn nạn rừng Trường Sơn bị lâm tặc ồ ạt đưa máy móc, xe cộ vào khai thác khắp nơi trên diện rộng rơi vào khoảng 1 năm trở lại đây và tình hình đang trở nên ngày một phức tạp.
La liệt tại nơi đây, hàng trăm gốc gỗ gõ đã bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ không thương tiếc, cưa xẻ trái phép, tạo ra những khoảng rừng trống huơ trống hoác. Gõ bị khai thác ở đây đều là những cây lâu năm, đường kính gốc dao động từ 0,7 – 1,2m nằm tràn lan khắp rừng,… Không chỉ riêng gỗ gõ mà tại cánh rừng này, gỗ lim cũng là một trong những loại cây bị khai thác vô cùng triệt để. Vậy chính quyền và lực lượng chức năng đang ở đâu khi rừng bị xâm hại, khai thác, tận diệt như chốn vô chủ?
Không chỉ riêng Quảng Bình, hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk, cũng trở thành điểm nóng của vấn nạn “chảy máu” tài nguyên rừng khi khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô liên tục bị lâm tặc hoành hành. Mặc dù từ năm 2017 đến cuối năm 2019, lực lượng chức năng sở tại đã phát hiện, xử lý 78 vụ phá rừng với 96 đối tượng, tuy nhiên, cho tới nay, điểm nóng này vẫn chưa từng ngớt bóng của lâm tặc.
Có một điểm chung, tại những nơi được cho là điểm nóng của vấn nạn lâm tặc thì chỉ biết loay hoay chấp nhận cho tài nguyên rừng “chảy máu”. Những “vết cắt” này đến từ đâu? Có chăng, do lực lượng chức năng và chính quyền sở tại thiếu năng lực?
Một điểm nóng khác được dư luận nhắc tới trong thời gian qua, đó là khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, mặc dù được Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa và Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh phối hợp Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tây Hòa và Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý, bảo vệ, tuy nhiên, nơi đây vẫn bị lâm tặc ngang nhiên mở đường vào chặt phá, vận chuyển khối lượng gỗ lớn đưa ra ngoài.
Loại cây bị chặt hạ chủ yếu là cây giẻ (gỗ nhóm 3) có đường kính 30-40cm; cây trâm, cây da (gỗ nhóm 5) có đường kính 50-60cm. Phần lớn gỗ xẻ ván được vận chuyển ra ngoài. Cá biệt có những cây đường kính lớn bằng cả vòng tay người ôm nhưng rỗng bên trong nên bị lâm tặc cưa hạ rồi bỏ lại trong rừng.
Thông tin với báo chí chiều 7/5, ông Nguyễn Văn Toàn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh cho biết: Đơn vị đang phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, điều tra vụ lâm tặc mở đường vào chặt phá rừng phòng hộ giáp ranh giữa hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa. Khu vực rừng này là rừng có chức năng phòng hộ phía thượng nguồn hồ thủy điện Sông Hinh.
Nguyên nhân được các lực lượng chức năng sở tại đưa ra cho thực trạng rừng nơi đây bị xâm hại là do lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19 và địa bàn giáp ranh hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh rất rộng, kiểm tra xong khu vực bên này rồi mới chuyển sang khu vực bên kia, vì vậy không phát hiện kịp thời tình trạng phá rừng diễn ra.
Thực trạng tài nguyên rừng “chảy máu” không chỉ xảy ra với những nội dung hiện trạng bài viết vừa đề cập mà nó trở thành vấn nạn nhiều năm qua, vậy những “vết cắt” từ đâu mà có? Phải chăng từ “kẽ hở” trong quản lý từ chính quyền và các lực lượng chức năng?
Có thể bạn quan tâm
Lối thoát nào cho doanh nghiệp vận tải?
04:10, 09/05/2020
[Infographic] Phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong 4 ngày qua
03:40, 09/05/2020
Quý I/2020: Nhiều vụ việc vi phạm về hàng giả bị phát hiện, xử lý
15:26, 04/05/2020
Phạt nặng hành vi xả thải độc hại – Ô nhiễm môi trường có “hạ nhiệt”?
05:35, 07/05/2020
Công ty tài chính có hành vi "khủng bố" nhắc nợ khách hàng sẽ bị xử lý thế nào?
04:50, 04/05/2020