Theo Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, trong số 14 ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh thường xảy ra tranh chấp thì dịch vụ vay tiêu dùng là một trong số bị phản ánh, khiếu nại nhiều nhất…
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2019, theo đó, đơn vị này đã thực hiện thanh tra 6 doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Standard Charter Bank, Công ty Tài chính TNHH HD Saison, Ngân hàng OCB. Đồng thời, kiểm tra 4 doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Công ty cổ phần Hàng không VietJet, Công ty TNHH MTV Tài chính Toyota Việt Nam, Công ty Venesa. Trong đó, Cục Cạnh tranh đã xử phạt 3 doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng với số tiền 195.000.000 đồng.
Cũng theo đơn vị này, trong số 14 ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh thường xảy ra tranh chấp tiêu dùng thì dịch vụ tín dụng tiêu dùng thuộc ngành hàng tài chính, bảo hiểm, ngân hàng được người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại thông qua Tổng đài nhiều nhất, chiếm tới 21,8% trong tổng số các cuộc gọi được ghi nhận, tư vấn.
Cụ thể, Cục Cạnh tranh đã tiếp nhận và giải quyết 568 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, nhiều người khiếu nại về việc không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ, mặc dù họ đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp.
Liên quan đến hiện trạng trên, Cục Cạnh tranh đã phối hợp và yêu cầu các công ty giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, đồng thời, đăng tải nhiều thông tin lưu ý, cảnh báo cho người tiêu dùng trên website của Cục và gửi thông tin để Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và xử lý.
Bên cạnh đó, ngoài sự vào cuộc trực tiếp như đã nêu của Cục Cạnh tranh thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung các quy định về vay tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, các công ty tài chính chỉ được nhắc nợ khách hàng vay tiêu dùng tối đa năm lần/ngày; không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ;… Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian vừa qua, liên tục hàng loạt những vụ việc liên quan đến việc quấy rối, đe dọa người dân, doanh nghiệp để đòi nợ bằng hình thức nhắn tin, gọi điện,… vẫn thường xuyên xảy ra.
Kể đến như trường hợp của anh Nguyễn Minh Trí (ngụ xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), ngay trong tháng 01 khi Thông tư số 18/2019/TT-NHNN có hiệu lực thi hành thì bản thân gia đình anh rơi vào cảnh hoang mang vì liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi giới thiệu là nhân viên của công ty tài chính đe dọa tính mạng cha mẹ, vợ con anh khiến gia đình không thể tập trung lo làm ăn như trước, thậm chí, vợ con anh không dám ra đường.
Có thể bạn quan tâm
04:05, 03/05/2020
05:20, 02/05/2020
05:05, 29/04/2020
04:50, 01/05/2020
05:00, 27/04/2020
Không riêng gì cá nhân, ngay đến doanh nghiệp cũng xảy ra tình trạng tương tự, đó là trường hợp Công ty cổ phần Winway Việt Nam có địa chỉ tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM cũng phải lên tiếng kêu cứu tới cơ quan Công an vì bị khủng bố bằng tin nhắn qua điện thoại từ một nhóm người tự xưng công ty cho vay tiền online mà sự việc không liên quan đến doanh nghiệp. Theo đó, hầu hết cán bộ - nhân viên của Công ty liên tục bị “khủng bố” qua tin nhắn, điện thoại, yêu cầu phải tìm một người không liên quan đang nợ tiền của họ, với những lời lẽ xúc phạm và đe dọa.
Trả lời trên báo chí về thực trạng trên, ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều điểm tích cực khi bổ sung quy định trong quản lý hoạt động đòi nợ của các công ty tài chính. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, đến thời điểm hiện nay, chưa có quy định xử lý công ty tài chính có hành vi khủng bố nhắc nợ khách hàng. Vì vậy, để quy định mới được vận dụng vào thực tiễn thì cần thêm các biện pháp chế tài phù hợp, tạo tính răn đe.
“Những công ty có hành vi khủng bố nhắc nợ khách hàng cần phải bị xử lý hành chính, phạt tiền hoặc tạm đình chỉ hoạt động, nặng hơn là rút giấy phép kinh doanh. Nếu công ty tài chính tái phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến khách hàng thì cần bị xem xét xử lý hình sự”, ông Hiếu đề xuất.