Tài nguyên rừng “chảy máu” – Bài cuối: Quy trách nhiệm người đứng đầu?
Nạn chặt phá rừng ở nước ta hiện nay, đang trở thành vấn đề hàng đầu cần được giải quyết triệt để, muốn “lá phổi xanh” ngừng “chảy máu”, nên chăng, quy trách nhiệm người đứng đầu?
Thực trạng lâm tặc hoành hành khiến tài nguyên rừng “chảy máu” trong thời gian vừa qua khiến dư luận nhức nhối một, thì việc cán bộ địa phương, lực lượng chức sở tại, buông lỏng quản lý để xảy ra hiện tượng tàn phá rừng mà chỉ dừng ở mức bị xử lý “kỷ luật” còn khiến dư luận nhức nhối mười. Tại nghị trường Quốc hội, trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng tàn phá rừng, Đại biểu Hoàng Văn Hùng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên từng đặt ra nghi vấn: Phải chăng có sự bao che, tiếp tay, thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý của một bộ phận cán bộ chính quyền, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm được giao?
Thực tế, theo những ghi nhận phản ánh của báo chí về hiện trạng rừng bị tàn phá tại nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, đều có một cái kết chung đáng suy ngẫm, lâm tặc tàn phá, tận thu xong,… “rút êm”, thì lực lượng chức năng và chính quyền mới thông báo “phát hiện rừng bị xâm hại…(?)”. Một điệp khúc “xưa như diễm” nhưng vẫn luôn được tái sử dụng, hàng loạt các cây lớn bị đốn hạ, máy móc lâm tặc sử dụng ồn ào như một phân xưởng, rồi con đường vận chuyển gỗ ra ngoài,… nhưng một lượng lớn các cơ quan, đơn vị địa phương được giao trách nhiệm kiểm soát mỗi ngày lại không hay biết. Liệu ở đây, điều gì có thể che mờ mắt họ, ngoài lợi ích?
Rừng là một trong những yếu tố tiên quyết cho vấn đề môi trường, sinh thái, luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, nhưng trên thực tế, tình trạng phá rừng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng khiến diện tích rừng tự nhiên đang suy giảm với tốc độ chóng mặt. Có thể thấy, tình trạng “chảy máu” tài nguyên rừng hiện tại xuất phát phần lớn từ sự hoành hành của lâm tặc trước sự thờ ơ, buông lỏng của chính quyền, lực lượng chức năng sở tại, đặc biệt là nghi vấn “tiếp tay, bao che” cho sai phạm.
Giải pháp nào cho vấn nạn phá rừng ở nước ta hiện nay? Khi độ che phủ của rừng hiện còn chưa đến 40%, trong đó, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%, đây cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái, bão, lũ quét, sạt lở đất, dịch bệnh phát sinh ngày càng tăng, trở thành mối đe hoạ nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế xã hội.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Hùng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Quản lý Nhà nước phải được tăng cường hơn trong lĩnh vực bảo vệ rừng, Chính phủ ngoài việc chỉ đạo quyết liệt thì cần quy trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cấp mà để xảy ra tình trạng này. Ngoài quy trách nhiệm cho người đứng đầu, trách nhiệm của chính quyền địa phương thì phải khởi tố những vụ việc liên quan tới vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Và chỉ qua khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì mới đủ sức răn đe chấm dứt ngay tình trạng này…
Xin được nhắc lại, tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ từ nhiều năm trước là giải pháp kịp thời và cần thiết nhằm bảo vệ tài nguyên rừng. Tuy nhiên, để xảy ra nhiều thực trạng tàn phá rừng trong thời gian vừa qua, cần phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc làm mất rừng và đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng. Quyết tâm kiểm tra, truy quét “đầu nậu”, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt là những người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiêm, tiêu cực để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác trái phép khiến tài nguyên rừng “chảy máu”.
Về mặt pháp lý trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN chia sẻ: Về vấn đề bảo vệ rừng, bộ luật hình sự hiện hành (Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017) có những quy định về hành vi cụ thể cấu thành tội phạm và xác định rõ ràng trách nhiệm hình sự của người thực hiện các hành vi cấu thành tội phạm đó, cụ thể như, Điều 232 Bộ Luật Hình sự quy định về "Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản"; Điều 243 quy định về "Tội hủy hoại rừng"; ngoài ra luật hình sự về bảo vệ rừng còn được thể hiện qua nội dung các điều luật quy định tội phạm cụ thể khác như “Tội vi phạm quy định về quản lý rừng” tại Điều 233;…
Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh hơn nữa, cứng rắn hơn nữa đối với các đối tượng lâm tặc, đặc biệt cần có biện pháp xử lý nghiêm một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm được giao, cán bộ kiểm lâm biến chất, đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về rừng mới có thể giải quyết được vấn nạn phá rừng. Đại biểu Hoàng Văn Hùng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên từng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Tài nguyên rừng “chảy máu” – Bài 1: “Vết cắt” từ đâu?
04:50, 12/05/2020
Chống hàng giả: Còn nhiều kẽ hở?
05:00, 27/04/2020
Hậu kỳ giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Các Thẩm phán sẵn sàng đối thoại
11:55, 13/05/2020
Phạt nặng hành vi xả thải độc hại – Ô nhiễm môi trường có “hạ nhiệt”?
05:35, 07/05/2020
[Infographic] Phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong 4 ngày qua
03:40, 09/05/2020