EVFTA - Hội nhập “tốc độ cao”: Đường "cao tốc" hội nhập EU đã mở
Sáng 20/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua ngày 28/5.
Giống như một con đường cao tốc hội nhập với Liên minh Châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Quốc hội bấm nút phê chuẩn hiệp định, cũng là bấm nút thông xe cho con đường cao tốc quan trọng này. Tuy nhiên, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để đoàn xe doanh nghiệp và cả nền kinh tế có thể vận hành trơn tru, hiệu quả trên tuyến đường này.
Cần nhiều con đường thể chế
Để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể lên đường cao tốc hội nhập, ta phải làm ngay những “đường gom”, “lối mở” để vào cao tốc. Đó chính là những Luật, những Nghị định, Thông tư nội luật hóa các cam kết, hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết đó. Soạn thảo và ban hành thật nhanh chóng, kịp thời các văn bản hướng dẫn này là việc cấp thiết để Hiệp định có hiệu lực, để con đường cao tốc có xe đi.
Kết quả rà xét của Chính phủ cho thấy một số lượng không nhỏ các văn bản quy phạm pháp luật cần phải xây dựng, cần phải sửa đổi cả ở tầm văn bản Luật, Nghị định, Thông tư. Chúng ta hoanh nghênh Chính phủ đã xây dựng kế hoạch triển khai. Nhưng với kinh nghiệm nhãn tiền của việc thực thi CPTPP, thì chúng ta không thể không lo ngại. Rất nhiều văn bản đã ban hành chậm trễ, sự phối hợp giữa các Bộ ngành cũng chưa thật hài hoà. CPTPP đã có hiệu lực từ một năm rưỡi qua, nhưng cho tới giờ phút này, có văn bản hướng dẫn thực thi vẫn còn lỡ hẹn. Làm sao để tình trạng này không tái diễn với hành trình thực thi cao tốc EVFTA.
Để cao tốc có nhiều xe chúng ta không chỉ cần những “đường gom”, “lối mở” mà cần nâng cấp cả những con đường thể chế khác: con đường “liên tỉnh”, “nội đô”, “nội thị”, “đường xã”... để tăng tốc cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta. Con đường thể chế là con đường chính sách và thủ tục cho các hoạt động kinh tế, kinh doanh. Văn bản pháp luật, chính sách nội địa để thực thi Hiệp định EVFTA không nên và không thể chỉ bó gọn trong các quy định để nội luật hóa những lời hứa trong cam kết, theo yêu cầu của Hiệp định. Mà còn phải là những quy định, chính sách mở rộng theo yêu cầu nội tại của chính chúng ta, để hạn chế các tác động không mong muốn từ cam kết, hay để tạo sức bật, hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế tận dụng tốt hơn các lợi ích từ Hiệp định.
Hiện tại, trong dự thảo kế hoạch thực thi EVFTA của Chính phủ trình, mới chỉ thấy các văn bản phải ban hành theo cam kết, chưa thấy văn bản nào ta chủ động dự kiến để tạo không gian và động lực cho chính chúng ta.
Thậm chí, với các cam kết áp dụng trực tiếp, ví dụ các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, thì mặc dù về lý là ta không cần văn bản nào để nội luật hóa, nhưng trên thực tế chắc chắn vẫn phải hướng dẫn chi tiết đến từng ngành. Bởi các cam kết này quá phức tạp, không dễ để các cơ quan Nhà nước ở địa phương thực thi thống nhất, càng không dễ để doanh nghiệp có thể hiểu để làm theo.
Vận hành sao cho trơn tru?
Chúng ta muốn vận hành đường cao tốc thì cần bảo đảm có được các biển báo, chỉ dẫn đầy đủ, rõ ràng. Cũng như vậy, chúng ta muốn doanh nghiệp tận dụng Hiệp định thì phải đẩy mạnh và làm thực chất hơn công tác phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp.
Với Hiệp định nào trước đây, chúng ta cũng đã làm điều này. Với EVFTA chúng ta thậm chí đã triển khai phổ biến tuyên truyền từ vài năm trước cho doanh nghiệp. Nhưng chỉ với những kiến thức chung chung về lợi ích vĩ mô, về tổng số dòng thuế cắt giảm, về các nguyên tắc xuất xứ… được trình bày sơ sài chỉ trong một, hai buổi thì chẳng ăn thua. Doanh nghiệp không thể dựa vào đó để mà giao dịch và hưởng lợi. Doanh nghiệp cần các hướng dẫn tỉ mỉ, rành mạch, các tài liệu để có thể tra cứu rõ ràng khi cần thiết. Họ cần những địa chỉ có thẩm quyền, có thể giải đáp, hướng dẫn khi có những cách làm và cách hiểu khác nhau. Với các Hiệp định FTA đã có trước đây, chúng ta chưa thực sự làm tốt việc này.
Để bảo đảm việc vận hành đường cao tốc thông suốt thì phải tăng cường năng lực các đơn vị duy tu, bảo dưỡng, bảo trì. Với EVFTA, chúng ta cũng phải làm quyết liệt công tác tổ chức bộ máy, đào tạo tập huấn cho các cán bộ, cơ quan liên quan ở cả trung ương và địa phương, hướng dẫn thực hiện và thường xuyên rà soát, kiểm tra trên thực tế. Mục tiêu là để bảo đảm cán bộ thừa hành phải biết và hiểu đúng việc cần làm; ngăn chặn được các biểu hiện xin-cho, nhũng nhiễu “hành” doanh nghiệp, tạo ra “ổ gà, ổ voi thủ tục” trong quá trình thực thi EVFTA.
Trên thực tế, chúng ta vẫn đang làm điều này, ở quy mô rộng, bền bỉ từ nhiều năm nay, với quyết tâm cao từ Chính phủ thông qua chuỗi Nghị quyết 19, 02, 35; từ các Bộ ngành thể hiện ở các đợt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; từ các địa phương qua các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
hững kết quả đạt được là to lớn, rất đáng được ghi nhận. Nhưng thủ tục hành chính vẫn phiền hà, môi trường kinh doanh vẫn còn cần nhiều bước đi quyết liệt nữa mới có thể được coi là thực sự thuận lợi. Để thực hiện EVFTA, những nỗ lực cải cách này phải được tăng tốc, nếu chúng ta muốn thành công.
Cũng không thể không nói tới sức ép của nguy cơ bị khiếu kiện đầu tư quốc tế nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không bảo đảm thực thi một cách chuẩn mực các nghĩa vụ về mở cửa, ứng xử hay bảo hộ cho các nhà đầu tư theo Hiệp định.
Ngoài ra, đường cao tốc nào cũng phải có những trạm nghỉ, điểm dừng, nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người và xe qua lại. Với đường cao tốc hiện đại như EVFTA, chúng ta cần phải nhanh chóng thiết kế các chính sách, chương trình, các biện pháp hỗ trợ cần thiết, và không trái cam kết, để doanh nghiệp nội có đủ sức cạnh tranh và hợp tác với đối thủ mạnh từ EU, để những nhóm yếu thế không bị bỏ lại phía sau, bị gạt ra lề đường cao tốc. Đây chính là những “trạm tiếp sức” rất cần thiết cho các doanh nghiệp, người lao động Việt Nam.
Cuối cùng, đường cao tốc EVFTA không phải là con đường miễn phí. Để doanh nghiệp và đất nước tận dụng được những cơ hội từ đường cao tốc EVFTA, chúng ta phải đầu tư. Các doanh nghiệp, trước hết phải bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ Hiệp định. Sau đó có thể sẽ phải đầu tư để thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, qua đó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Doanh nghiệp có thể sẽ phải mất thêm nhiều chi phí tuân thủ, để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về lao động, môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA ngay tại kỳ họp thứ 9
14:12, 20/05/2020
EVFTA giúp Việt Nam giảm tỷ lệ nghèo xuống 0,7%
12:03, 20/05/2020
EVFTA: Cơ hội mới sau “bão dịch” COVID-19
11:45, 20/05/2020
Có nên ban hành Nghị quyết riêng về công nhận và thi hành phán quyết EVIPA?
00:01, 21/05/2020
EVIPA: Cơ hội hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật
15:11, 20/05/2020