Báo động tai nạn giao thông xe đạp điện, xe máy điện (Bài 2): “Lỗ hổng” từ đâu?
Trước tình trạng báo động về việc gia tăng số vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện, có thể thấy cần phải thắt chặt hơn nữa công tác quản lý đối với hai loại hình này…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin tại bài viết trước đăng tải trên số báo 41 (2.355) ra ngày 20/5/2020, tình trạng người sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện đang có chiều hướng gia tăng, mọi thông số đều được thể hiện cụ thể, chi tiết trên kết quả nghiên cứu của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia phối hợp với Hiệp hội các nhà Sản xuất xe máy Việt Nam thực hiện trong vài năm trở lại đây.
Tốc độ vận hành bị can thiệp từ nhu cầu người sử dụng
Việc số vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện có chiều hướng gia tăng, không chỉ xuất phát từ lứa tuổi sử dụng phương tiện chưa được phổ cập kiến thức, kỹ năng xử lý mà hiện trạng các loại hình phương tiện này bị can thiệp vào động cơ vận hành cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự gia tăng của các vụ việc TNGT.
Theo ông Nguyễn Văn Phương – Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam: Đối với loại hình phương tiện xe điện, có 03 loại chính đó là xe đạp điện, xe máy điện và xe mô tô điện. Theo đó, đối với quy chuẩn của Việt Nam xe đạp điện được quy định là 25km/giờ; xe máy điện từ 20-50km/giờ, còn mô tô điện thì cao hơn. Các quy chuẩn tại Việt Nam hiện nay được áp dụng theo quy chuẩn quốc tế.
Cũng theo ông Phương, khi các loại phương tiện được kiểm định đều tuân thủ nghiêm ngặt đúng theo quy chuẩn đã nêu. Tuy nhiên, hiện nay khi phương tiện lưu thông mà có vận tốc cao hơn so với quy chuẩn, hầu hết xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng nên các cửa hàng sau khi bán mới có sự can thiệp vào động cơ nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
“Việc can thiệp vào động cơ nhằm tăng công suất như hiện nay đều là sai quy định và không được phép. Ở đây, một phần cũng xuất phát từ “lỗ hổng” trong Luật định mà tiến tới trong quá trình sửa đổi, bổ sung nên được đưa vào cụ thể để có sự phân định rõ ràng các loại hình phương tiện”, ông Phương tiếp tục chia sẻ.
Đâu là giải pháp?
Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện giao thông thô sơ, do đó tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật cũng như công tác quản lý đối với các loại hình này và người điều khiển,… không bị điều chỉnh chặt chẽ như đối với phương tiện giao thông cơ giới, cụ thể là xe đạp điện không phải đăng ký, cấp biển số, người điều khiển không bắt buộc phải có giấy phép lái xe,…
Trong khi đó, trên thực tế xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện có gắn động cơ, lưu thông với tốc độ khá nhanh. Do đó, để siết chặt quản lý đối với phương tiện này, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới Luật cho phù hợp, quy định cụ thể tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật, tốc độ tối đa cho phép khi lưu thông trên từng loại tuyến đường, điều kiện sức khỏe, độ tuổi và nhận thức pháp luật giao thông đường bộ của người điều khiển,… Đặc biệt là việc thực hiện cấp bằng điều khiển phương tiện cho người sử dụng.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật giao thông đường bộ với nội dung, hình thức linh hoạt, hiệu quả, tập trung vào điều kiện tham gia giao thông, quy tắc giao thông và kỹ năng điều khiển phương tiện. Đặc biệt, đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên là vô cùng cấp thiết.
Không chỉ riêng đối tượng học sinh, sinh viên, người trực tiếp sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông thì các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao nhận thức, không nên chủ quan cho con em mình sử dụng xe đạp điện, xe máy điện khi còn quá nhỏ tuổi để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm