Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Làm rõ cơ chế thu phí, thu giá
Đây là một trong những góp ý nổi bật của giới chuyên gia khi góp ý cho Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Góp ý vào các quy định của Dự thảo Luật lần này, ông Nguyễn Văn Quyền - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết nên làm rõ khái niệm thu phí và thu giá được sử dụng ở Điều 87 của Dự thảo Luật.
“Xung quanh câu chuyện này còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng Luật lại không làm rõ trong trường hợp nào là thu phí, trường hợp nào là thu giá, thu phí và thu giá có khác nhau hay không? Do đó, trong luật cần xác định rõ khi nào sử dụng cơ chế giá, khi nào sử dụng cơ chế phí, từ đó có các quy định khác nhau”, ông Quyền nói.
Đồng thời, ông Quyền cũng đề nghị bổ sung thêm quy định đối với công trình hết thời hạn thu phí của nhà đầu tư bàn giao cho Nhà nước, việc có tiếp tục thu phí nên giao cho cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Tiếp tục đóng góp ý kiến vào Điều 88 Dự thảo Luật về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc, ông Quyền đề nghị bổ sung thêm quy định công khai nhà đầu tư, tổng mức đầu tư, hình thức đầu tư, mức phí, thời gian thu phí, đề nghị công bố công khai.
Ngoài ra, ông Quyền cũng cho rằng, vận tải hàng hóa nội bộ với vận tải hàng hóa kinh doanh còn nhiều bất bình đẳng và đề nghị có khái niệm cụ thể hơn về vận tải hàng nội bộ, vì đây không phải hoạt động kinh doanh, không phải chịu thuế; phải có khái niệm rõ ràng, đảm bảo tính công bằng trong kinh doanh vận tải.
Trước quan điểm của ông Quyền, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu làm rõ cơ chế giá và cơ chế phí, đảm bảo công khai, minh bạch. Hiện nay quá trình triển khai đối với thu phí không dừng đã được Bộ Giao thông vận tải triển khai quyết liệt, việc này sẽ tạo điều kiện công khai, minh bạch nguồn thu.
Về phần mình, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Luật này đã được triển khai hơn 10 năm qua và có nhiều ý kiến cho rằng, đây là bộ luật được xây dựng chất lượng nhất, có tầm nhìn và ổn định nhất trong suốt nhiều năm. Đặc biệt là đã được sửa đổi cụ thể, chi tiết vào năm 2018 để phù hợp với điều kiện Việt Nam và tương xứng với sự phát triển của các quy tắc, quy chuẩn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ông Thọ đề nghị việc xây dựng dự thảo và hoàn thiện Luật Giao thông Đường bộ lần này “cố gắng làm sao ổn định luật ít nhất đến 10 năm tới; tránh sửa đi sửa lại nhiều lần gây khó khăn cho xã hội và cho những đối tượng chịu chi phối bởi luật”.
Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cần phải được ưu tiên để đi trước 1 bước, ông Thọ cho rằng, dự thảo Luật Giao thông.
Đường bộ cần tạo nên hành lang pháp lý cho vấn đề đầu tư, các cơ chế chính sách và chủ trương phát triển; việc huy động nguồn lực đóng góp của các thành phần kinh tế song song với ngân sách Nhà nước. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang tiến hành hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ. Vừa qua, Kỳ họp thứ 9, Quốc Quốc hội khóa XIV đã chấp thuận lộ trình đến tháng 10 năm nay sẽ trình lấy ý kiến trong kỳ họp tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Còn nhiều quy định “cải lùi”?
11:15, 04/06/2020
5 sửa đổi đáng chú ý của Luật Giao thông đường bộ
12:10, 02/06/2020
Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ: Thêm thủ tục không cần thiết, gia tăng sự chồng chéo
04:30, 24/05/2020
“Rào cản” từ Dự thảo Luật Giao thông đường bộ
11:20, 17/05/2020
Luật Giao thông đường bộ: "chiếc áo đã quá chật" so với sự phát triển xã hội
11:38, 29/08/2018