Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: Đi “ngược” cam kết của Chính phủ?
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự không đơn thuần tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với môi trường đầu tư kinh doanh mà còn đi ngược lại cam kết bảo vệ doanh nghiệp của Chính phủ…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự đang trở thành “bóng ma” ám ảnh bên cạnh hoạt động của doanh nghiệp nếu không có những biện pháp xử lý triệt để. Trên thực tế, không ít “vết đen” về hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang, ám ảnh, đặc biệt, không chỉ những hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có nguy cơ vướng phải, mà đến doanh nghiệp lớn cũng bị ám ảnh trước “bóng ma” hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự…
Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp năm 2019, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Lê Thành Long, thẳng thắn nhìn nhận, “pháp luật còn nhiều bất cập so với kỳ vọng của doanh nghiệp và xã hội”.
Không chỉ có vậy, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại diện doanh nghiệp để tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện thể chế, giảm thực chất điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực công chức và đạo đức công vụ. Chống hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự...
Theo Bộ trưởng Long, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) cũng chỉ còn 2 hành vi kinh tế bị xử lý hình sự. Tuy vậy, điểm khó là phân biệt bản chất vụ việc quan hệ kinh tế tự nguyện, minh bạch, bởi trong thực thi pháp luật có sự nhầm lẫn do nhận thức và thực hiện không đúng, lạm dụng, dẫn tới hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự…
Quay trở lại thông tin vụ việc đình đám của Nam A Bank, ông Nguyễn Chấn (SN1923, trú tại Quận 3, TP. HCM) và một số cá nhân liên quan tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á cấu kết với một số cá nhân khác có hành vi chiếm đoạt tài sản của ông là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại ngân hàng TMCP Nam Á và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu.
Ngày 20/6/2019, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố hình sự số 36/QĐ-C01-P4, khởi tố vụ việc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP. HCM. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua, phía cơ quan điều tra vẫn chưa công bố thêm thông tin gì ngoài Quyết định khởi tố căn cứ theo tố giác của ông Nguyễn Chấn và một số cá nhân liên quan.
Mặc dù vụ việc chưa đi đến hồi kết, tuy nhiên, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc “có hay không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”(?), bởi tổng số tiền được bên tố cáo cho là bị chiếm đoạt có giá trị ước tính lên tới gần 30.000 tỷ đồng. Số tài sản này gồm: Cổ phiếu do Ngân hàng Nam Á phát hành; cổ phần tại các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu; các khoản đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần.
Thông tin với báo chí tại thời điểm vụ việc diễn ra, ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á, người bị chính cha đẻ tố cáo cho rằng, đây chỉ là việc gia đình, khi bị tâm lí về thông tin không chính xác gây hiểu lầm, không có thật, tôi mong các cơ quan giúp đỡ, tạo điều kiện không đẩy vụ việc ra vấn đề hình sự, để gia đình chúng tôi có thể ngồi lại với nhau… bởi mấu chốt vụ việc chỉ là tranh chấp tài sản.
Thực chất, dù chưa có một kết luận chính thức nào, nhưng ở đây, ranh giới bản chất của vụ việc vẫn rất khó phân biệt. Bởi tài sản được cho bị chiếm đoạt đều có giá trị đầu tư vào hoạt động của doanh nghiệp, có sự tồn và trên thực tế đây là tranh chấp giữa nhà đầu tư và chủ sở hữu.
Không chỉ riêng vụ việc nêu trên mà quay trở lại hàng loạt những “vết đen” trước đó như: vụ việc quán Cafe Xin Chào của ông Nguyễn Văn Tấn ở TP.HCM; doanh nhân Hoàng Minh Tiến (Hà Nội), Phùng Thị Thu (Thái Bình), Nguyễn Văn Lượng (Nam Định),... đều là những bài học, hồi chuông cảnh tỉnh về việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.
Theo các luật sư, hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự không đơn thuần tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với môi trường đầu tư kinh doanh mà còn đi ngược lại cam kết bảo vệ doanh nghiệp của Chính phủ tại rất nhiều hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, không riêng gì hội nghị năm 2019. Đặc biệt, việc cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự của Chính phủ được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020.
Có thể bạn quan tâm