Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: "Bóng ma" ám ảnh doanh nghiệp?

GIA NGUYỄN 08/06/2020 06:30

Nhiều năm qua, câu chuyện hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự luôn trở thành chủ để nóng khiến dư luận quan tâm, đặc biệt, khi nó luôn là “bóng ma” ám ảnh bên cạnh hoạt động của doanh nghiệp…

Việc truy tố, kết án oan, sai nhiều vụ việc trong áp dụng luật hình sự vào quan hệ kinh tế, dân sự không đúng bản chất khách quan của hành vi là nguyên nhân khiến người dân và doanh nhân, doanh nghiệp thường trực hoang mang, dù trên thực tế Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, với mục tiêu và nguyên tắc rất rõ: "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự". Thế nhưng, câu chuyện hình sự hóa vẫn lẩn khuất trong các quan hệ kinh tế, như một "bóng ma".

Vụ việc quán Cafe Xin Chào cũng là một trong những

Vụ việc quán Cafe Xin Chào cũng là một trong những "vết đen" của việc hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế...

Mới đây, tại hội nghị với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vẫn khẳng định: Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước! Và thông điệp "Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại.

Trên thực tế, Nghị quyết số 35/NQ-CP đã thể hiện được một vai trò rất tích cực, khi nhiều doanh nghiệp đồng nhất cho rằng, chủ trương không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế đã giúp các doanh nghiệp cảm thấy được pháp luật bảo vệ, nâng cao tư duy dám nghĩ dám làm, góp phần khai thác hiệu quả những lĩnh vực tiên phong, rủi ro cao…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, lẩn khuất đâu đó vẫn còn các câu chuyện “vết đen” tương tự như: vụ việc quán Cafe Xin Chào của ông Nguyễn Văn Tấn ở TP.HCM; doanh nhân Hoàng Minh Tiến (Hà Nội), Phùng Thị Thu (Thái Bình), Nguyễn Văn Lượng (Nam Định),... khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi bất an.

Hay, vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH MTV Minh Đại (tiền thân của Công ty cổ phần thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu, chuyên kinh doanh, chế biến thủy, hải sản), do vợ chồng ông Ngô Chí Dũng thành lập, cũng là một vụ án liên quan đến hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi ngày 27/2/2019, TAND cấp cao tại TP.HCM đã nhận định: "Cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự giữa Công ty Minh Hiếu và BIDV Bạc Liêu. Đồng thời, việc khởi tố của cơ quan điều tra là vi phạm điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự vì ngân hàng không có đơn tố cáo Công ty Minh Hiếu". Tuy nhiên, vụ việc vẫn đang được cơ quan Điều tra tỉnh Bạc Liêu giữ quan điểm hình sự hóa.

Không chỉ riêng vụ việc nêu trên, việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự liên quan đến một doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đang diễn ra tại TP.HCM, cũng có thể coi là một ví dụ điển hình, chưa có hồi kết.

Theo đó, ngày 22/6/2019, Nam A Bank đã phát đi thông cáo về việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản thừa kế của gia đình ông Nguyễn Chấn (96 tuổi) và ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, con ruột ông Nguyễn Chấn).

Trong khi nguyên đơn, ông Nguyễn Chấn cho rằng: Ông chỉ tạm giao cho con trai chìa khóa két sắt, mở hay không, mở lúc nào và dùng các giấy tờ có giá trị vào việc gì thì phải được ông cho phép. Nhưng ông Toàn đã tự ý mở két sắt khi chưa được sự đồng ý của ông, tự ý sang tên cổ phần, chuyển dịch tài sản cho các cá nhân khác…

Thì bị đơn, ông Nguyễn Quốc Toàn khẳng định đây chỉ là việc gia đình. "Chúng tôi mong các cơ quan giúp đỡ, tạo điều kiện không đẩy vụ việc ra vấn đề hình sự, để gia đình chúng tôi có thể ngồi lại với nhau nhằm thực hiện tâm nguyện của mẹ tôi (cố doanh nhân Tư Hường), bởi mấu chốt vụ việc chỉ là tranh chấp tài sản".

Thế nhưng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản(?).

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần 2, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao - Lê Minh Trí cũng cam kết về việc chấm dứt tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần 2, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao - Lê Minh Trí cũng cam kết về việc chấm dứt tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế

Trước sự việc trên, nhiều luật gia nhận định: Việc xử lý hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong trường hợp này khá khiên cưỡng, bởi có sự mâu thuẫn lớn trong chính nội bộ gia đình, và ranh giới giữa "được tín nhiệm" và ý thức chiếm đoạt rất khó phân định.

Từ thực tế này, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân mặc dù luôn đặt niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền lợi và lợi ích của các doanh nghiệp nhưng cũng không khỏi băn khoăn, ám ảnh trước quyết định của các cơ quan CSĐT, nhất là vụ việc liên quan tới Nam A Bank đã và đang diễn ra trước mắt,  bởi nó hoàn toàn có thể thành "tiền lệ xấu" đối với các tranh chấp trong nội bộ những "đại gia đình doanh nghiệp" đang lớn mạnh tại Việt Nam trong tương lai.

Về việc nên hay không nên, cần hay không cần hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, ngoài những nhấn mạnh được nhắc đi nhắc lại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại các hội nghị với doanh nghiệp, thì những cam kết của các Tư lệnh ngành sẽ làm nền móng cho “bóng ma” hình sự hóa không còn là nỗi ám ảnh với các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai ngày 17/5, tại Hà Nội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối Cao - Lê Minh Trí cũng cam kết: "Ngành kiểm sát sẽ kiên quyết với tội phạm, với những người làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế-xã hội. Đồng thời quyết tâm bảo vệ doanh nghiệp, người dân làm ăn chân chính, hiệu quả và đúng pháp luật. Ngành kiểm sát sẽ phấn đấu hạn chế và không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính và kinh tế”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hình sự hóa quan hệ hành chính kinh tế: Nghịch lý - “Mẹ vợ vay tiền, con rểp/đi tù”?

    Hình sự hóa quan hệ hành chính kinh tế: Nghịch lý - “Mẹ vợ vay tiền, con rể đi tù”?

    11:10, 22/01/2019

  • Yên Phong (Bắc Ninh): Dự án khu vui chơi giải trí Thuần Việt được chính quyền

    Yên Phong (Bắc Ninh): Dự án khu vui chơi giải trí Thuần Việt được chính quyền "hợp thức hóa sai phạm"?

    05:30, 07/06/2020

  • Phía sau vi phạm tại huyện Yên Phong: Tạo điều kiện hay “tiền lệ xấu”?

    Phía sau vi phạm tại huyện Yên Phong: Tạo điều kiện hay “tiền lệ xấu”?

    06:30, 04/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: "Bóng ma" ám ảnh doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO