Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 6): Ai tiếp tay cho sai phạm?

GIA NGUYỄN 30/06/2020 06:30

Hệ lụy phía sau các dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) là câu chuyện khiến dư luận vô cùng quan ngại, đáng nói, những sai phạm đã và đang có, ai là người tiếp tay?

Hậu kỳ “khai tử” các dự án, công trình được đầu tư theo hình thức BT, đang cho thấy còn nhiều bất cập, hệ lụy, đặc biệt, việc “khai tử” này không đồng nghĩa “xóa bàn cờ chơi lại”, những sai phạm đã và đang tồn tại, cần được xem xét, tránh thất thoát, thâm hụt ngân sách.

Trong số, hàng loạt các dự án, công trình được thực hiện theo hình thức BT, tại thời điểm tháng 02/2020, dư luận được phen xôn xao về dự án “Cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Đầu Băng - hồ Vục - hồ Tư Đình” (quận Long Biên, Hà Nội).

Những bất cập, hệ lụy từ các dự án, công trình thực hiện theo phương thức BT, liệu có sự tiếp tay?

Những bất cập, hệ lụy từ các dự án, công trình thực hiện theo phương thức BT, liệu có sự tiếp tay?

Theo đó, năm 2010, Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới (Công ty NNM) thuộc Tập đoàn Lã Vọng là nhà đầu tư dự án “Cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Đầu Băng - hồ Vục - hồ Tư Đình” theo hình thức BT, đại diện chủ đầu tư là UBND quận Long Biên, cơ quan quyết định đầu tư là UBND TP. Hà Nội.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành liên quan như: Ủy quyền cho Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng hồ; Sở Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm làm các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác GPMB; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể chủ đầu tư về thực hiện nguồn vốn của dự án; Sở Xây dựng chủ trì tổ chức thực hiện dự án có trách nhiệm: Theo dõi, giám sát tiến độ và chủ động phối hợp, đôn đốc nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án…

Tuy nhiên, sau gần chục năm, dự án BT này không thể thực hiện được đúng theo đề án đã được duyệt cả về thời gian, lẫn quy mô hạng mục công trình, mọi việc đều dang dở, không thể có hạng mục pháp lý nào đủ tiêu chuẩn theo quy định để làm căn cứ (nghiệm thu hoặc đánh giá) giá trị mà chủ đầu tư đã bỏ tiền. Thế nhưng, rất nhiều sở, ngành vẫn tham mưu UBND TP. Hà Nội đối ứng, trả bằng đất cho doanh nghiệp này.

Theo thông tin báo chí phản ánh, Sở KH&ĐT cho rằng, qua khảo sát kinh phí để đầu tư tổng thể dự án Hồ Đầu Băng bao gồm cải tạo môi trường hồ, kè hồ, mương thoát nước chung cho khu vực, hệ thống đường dạo, công viên cây xanh, cảnh quan hồ vào khoảng 120 tỷ đồng(?)...

Nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh câu chuyện thực hiện dự án, công trình theo hình thức BT để thâu tóm đất vàng, trong khi dự án còn dang dở(?)

Nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh câu chuyện thực hiện dự án, công trình theo hình thức BT để thâu tóm đất vàng, trong khi dự án còn dang dở(?)

Từ con số trên, đơn vị này cũng báo cáo UBND thành phố để giúp Công ty NNM xin (đối ứng) 6ha đất tại phường Việt Hưng, quận Long Biên và 3ha đất thuộc xứ Đồng Chòi, thôn Đình, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (cũ).

Ban đầu, doanh nghiệp khái toán dự án là 120 tỷ đồng, sau đó lại có tờ trình khái toán tổng mức đầu tư của dự án lên 390,716 tỷ đồng và được các sở, ngành và UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho phép (mở rộng) đầu tư dự án cải tạo hồ Đầu Băng - hồ Vục - hồ Tư Đình và dự án đầu tư cải tạo xây dựng hệ thống cống nối thông 3 hồ (kể trên) theo hình thức hợp đồng BT. Theo “Bản khái toán” tổng mức đầu tư lên đến 610 tỷ 834 triệu đồng. Còn “Dự toán” Tổng chi phí xây dựng công trình tổng cộng là: 324.603.527.772 đồng.

Bên cạnh đó, bất chấp Ban chỉ đạo GPMB thành phố có văn bản đề nghị nhà đầu tư không đưa chi phí GPMB của 22 hộ dân vào dự án này, do 22 hộ thuộc chỉ giới GPMB Dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng đã được thực hiện bằng nguồn ngân sách của UBND thành phố… Sở KH&ĐT vẫn làm báo cáo, đề xuất được tính thành giá trị khoản tiền đầu tư cho Công ty NNM giá trị đối ứng khoản tiền hơn 600 tỷ đồng và được UBND thành phố chấp thuận.

Cũng chính từ sự việc này, số tiền GPMB đối với 22 hộ bằng nguồn ngân sách của Nhà nước đã bị thất thoát, trong khi đó, UBND TP. Hà Nội lại giao 9,9ha đất và bổ sung 3,85ha đất tại Khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho Công ty NNM. Tổng diện tích doanh nghiệp này được giao là 14,5 ha (tăng so với diện tích đối ứng hợp đồng BT là 0,75 ha) để thực hiện Dự án Louis City Đại Mỗ.

Vậy, thất thoát từ đâu mà ra? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Liệu đây có phải là một hồi chuông cảnh tỉnh?

Theo thông báo kết luận thanh tra số 106/TB-TTCP, ngày 17/01/2020 về việc thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Cổ phần thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội xác định, việc chậm GPMB tại dự án này do chậm điều chỉnh dự án đầu tư và xử lý phần GPMB trùng lắp, dẫn đến tiếp độ dự án BT chậm, không có cơ sở xác định khối lượng xây dựng và giá trị của dự án BT, để làm căn cứ xác định giá trị hợp đồng BT.

"Trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND quận Long Biên, UBND TP. Hà Nội" - thông báo kết luận nêu.

Có thể bạn quan tâm

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 5): “Xóa bàn cờ chơi lại”?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 5): “Xóa bàn cờ chơi lại”?

    06:30, 29/06/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 4): Có hay không lợi ích nhóm?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 4): Có hay không lợi ích nhóm?

    06:05, 26/06/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 3): “Trăm dâu đổ đầu tằm”?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 3): “Trăm dâu đổ đầu tằm”?

    06:30, 25/06/2020

GIA NGUYỄN