Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 4): Có hay không lợi ích nhóm?

GIA NGUYỄN 26/06/2020 06:05

Xoay quanh câu chuyện “khai tử” các dự án BT (xây dựng – chuyển giao), bên cạnh những bất cập, hệ lụy đã để lại, dư luận còn đặt ra nhiều nghi vấn về việc có hay không lợi ích nhóm?

Mặc dù, Quốc hội đã chính thức “khai tử” các dự án, công trình được thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) khi đa số các đại biểu tán thành thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thế nhưng, có một thực tế, khi hàng loạt các dự án được thực hiện theo hình thức BT tại nhiều tỉnh, thành xuất hiện “lỗ hổng”, nổi cộm lên là hiện trạng chỉ định nhà đầu tư, kèm theo đó bao gồm các nhà thầu thiếu năng lực, dự toán vốn cao hơn nhiều so với thực tế thực hiện,… dẫn đến tạo gánh nặng cho người dân và ngân sách.

Nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh câu chuyện các dự án, công trình được đầu tư xây dựng theo hình thức BT, có dấu hiệu của lợi ích nhóm?

Nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh câu chuyện các dự án, công trình được đầu tư xây dựng theo hình thức BT, có dấu hiệu của lợi ích nhóm?

Thực trạng trên, không chỉ là hồi chuông cảnh báo mà còn khiến dư luận hoài nghi về việc “bắt tay” giữa chủ đầu tư và chính quyền sở tại để cùng “thổi giá” các dự án, công trình được đầu tư theo hình thức BT. Có hay không việc lợi ích nhóm? Khi sai phạm đã được các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ chỉ ra…

Trong đó, điều khiến dư luận lấy làm thước đo và vô cùng quan ngại là việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 5.228 tỉ đồng, bao gồm, tăng thu ngân sách Nhà nước 112,4 tỉ đồng, giảm chi ngân sách 1.262 tỉ đồng, xử lý khác 1.355,3 tỉ đồng, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 552,3 tỉ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.246,4 tỉ đồng.

Ngoài ra, quá trình thực hiện kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số vấn đề khác như, địa phương không quy định cơ cấu tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định, làm tăng chi phí dự án, do nhà đầu tư tính lãi vay trên 100% chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, mà ở đây, dự án kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ.

Hay, các ô đất đã sử dụng đầu tư dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư, thế nhưng khi ký hợp đồng BT, vẫn được dự kiến để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng như, dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5, tại Hà Nội.

Việc xác định đơn giá đất cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là “chưa phù hợp”, rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực

Việc xác định đơn giá đất cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là “chưa phù hợp”, rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực tế

Bên cạnh đó, việc xác định đơn giá đất cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là “chưa phù hợp”, rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực. Dẫn chứng được nêu ra, tại dự án Hệ thống thoát nước mưa khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh… tỉnh Khánh Hòa xác định đơn giá đất ở chỉ 620.000 đồng/m2, đất thương mại dịch vụ thuê 50 năm giá 170.000 đồng/m2, trong khi đơn giá tạm tính quỹ đất hoàn vốn của dự án này theo đơn giá đất kinh doanh phi nông nghiệp (bảng giá đất năm 2011 của tỉnh Khánh Hòa) lại là 2.000.000 đồng/m2(?).

Theo các Chuyên gia kinh tế, cơ quan chức năng cần làm rõ có lợi ích nhóm hay không, khi chỉ định nhà đầu tư, giao đất sai quy định đã thể hiện những điểm bất thường trong quá trình triển khai dự án BT, thất thoát ngân sách và nguồn lực Nhà nước, quá trình thực hiện dự án BT cần lưu ý, phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, giao đất không thấp hơn với mức giá của thị trường đã định tại thời điểm thanh toán.

Nhận định về thực trạng đang tồn tại, bất cập và hệ lụy xoay quanh câu chuyện các dự án thực hiện theo hình thức BT trên báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước khi thanh toán các dự án BT thì việc sử dụng tài sản công để thanh toán, khi thực hiện dự án BT phải theo nguyên tắc ngang giá, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường, quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; còn giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Cũng theo ông Hiếu, các cơ quan quản lý cần công khai, minh bạch từ quá trình lập dự án, đấu thầu, thanh toán. Đặc biệt, cần giám sát quá trình triển khai để hạn chế tình trạng chậm tiến độ dự án BT nhưng lại "đòi" Nhà nước thanh toán đất đối ứng để thu lợi, cần thực hiện đấu thầu công khai nhằm tìm được nhà đầu tư có năng lực và triển khai nghiêm chỉnh, tránh đầu tư chỉ định sẽ dẫn đến trường hợp ưu tiên cho doanh nghiệp thân quen, dẫn tới tham nhũng, thất thoát nguồn lực đất đai.

Có thể bạn quan tâm

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 1): Vẫn còn nhiều bất cập, hệ lụy…

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 1): Vẫn còn nhiều bất cập, hệ lụy…

    05:10, 22/06/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 2): “Lỗ hổng” từ đâu?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 2): “Lỗ hổng” từ đâu?

    05:30, 24/06/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 3): “Trăm dâu đổ đầu tằm”?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 3): “Trăm dâu đổ đầu tằm”?

    06:30, 25/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 4): Có hay không lợi ích nhóm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO