Vấn nạn sách giả, sách lậu (Bài 3): Lợi nhuận “cao” - Rào cản “thấp”!?
Cuộc chiến chống sách giả, sách lậu đã khó lại càng khó hơn, khi công lý có dấu hiệu chưa “nghiêng” về sách thật, đặc biệt, hành lang pháp lý, xử lý, nhiều năm qua, vẫn chưa đủ sức “nặng”…
Xoay quanh câu chuyện vấn nạn sách giả, sách lậu, Diễn đàn Doanh nghiệp đã đề cập đến trong thời gian vừa qua, đặc biệt, tại số báo thứ 53 (2.367) ra ngày 01/7/2020, nỗi đau doanh nghiệp, NXB,… phải nếm trải lại ngày một gia tăng, không chỉ còn giới hạn trong vấn đề kinh tế mà ngay đến công lý cũng có dấu hiệu bị “bẻ cong”.
Cơ quan chức năng cũng “bó tay”
Cuộc chiến chống sách giả, sách lậu, câu chuyện “ồn ào” muôn thủa, doanh nghiệp, NXB,… nỗ lực đấu tranh, phanh phui, xử lý, thế nhưng, càng chiến đấu, sách giả, sách lậu lại càng nhiều, từ sạp, tiệm, cửa hàng,… Nay lại, tràn lan trên không gian mạng điện tử. “Dây trói” nào đang bó buộc những người chống sách giả, sách lậu?
Chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đăng Quang – nguyên Phó tổng Giám đốc, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, sách là sản phẩm mang tính chính trị, định hướng cho tương lai, tuy nhiên, công cuộc chống sách giả, sách lậu, đã và đang vướng phải rất nhiều “dây trói”.
Theo ông Quang, chế tài xử lý hay thanh tra, kiểm tra,… là những quy định vốn để tránh gây nhũng nhiễu doanh nghiệp nhưng lại trói tay, trói chân cơ quan chức năng trong xử lý sách giả, sách lậu.
Lý giải về vấn đề này, ông Quang cho hay: in giả từ 300 bản trở lên sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu, đồng nghĩa với việc có vài triệu bản in giả đi nữa mức phạt cũng chỉ như thế… Đặc biệt, quy trình thanh tra, kiểm tra phải theo kế hoạch, có báo trước, như vậy vào kiểm tra liệu còn có sách giả, sách lậu? Hay, kiểm tra hành chính không được kiểm tra ban đêm, nếu có thì quy trình phức tạp, trong khi hoạt động sách giả, sách lậu thường diễn ra vào thời điểm này, 7 giờ tối cơ sở in lậu bật máy, 5 giờ sáng họ chuyển bản in đi cơ sở đóng xén, sau đó vệ sinh lau chùi sạch sẽ, dấu vết ở đâu?
Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT), cho biết, hiện tại Cục đã sửa và đang trình Chính phủ nghị định mới thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP.
Tăng mức phạt để tạo sức răn đe
Trao đổi với PV về thực trạng trên, Luật sư Đậu Quyên – Hãng luật LPVN Law Firm cho biết: Công tác quản lý sách giả, sách lậu hiện nay đã có hành lang pháp lý đầy đủ, như Luật Xuất bản năm 2012, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP cũng như Thông tư hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật Xuất bản.
Trong đó, hành vi in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm bị nghiêm cấm thực hiện theo Điều 10 của Luật Xuất bản 2012, về chế tài hành chính, Điều 27 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP cũng quy định, đối với hành vi in sách lậu, mức phạt sẽ tăng dần theo số lượng in ấn. Bên cạnh đó, còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được; Buộc thu hồi giấy phép;...
“Ngoài ra, việc in ấn, phát hành sách giả, sách lậu có thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 344 Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản”; Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 quy định về “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”, có thể phạt tiền lên đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” – Luật sư Quyên chia sẻ.
Cũng theo Luật sư Quyên, trước thực trạng sách giả, sách lậu tràn lan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các đơn vị phát hành, doanh nghiệp làm sách, NXB,... thì các chế tài trong Nghị định số 159/2013/NĐ-CP không còn phù hợp.
“Lợi nhuận thu được từ sách lậu rất cao và đây cũng là lý do trên thực tế, in ấn và buôn bán sách lậu ở Việt Nam đã tồn tại nhức nhối nhiều năm qua mà vẫn chưa dẹp bỏ được, thậm chí, có dấu hiệu ngày càng tinh vi, phát triển ở quy mô lớn,... Theo tôi, sẽ cần nâng mức phạt lên cao hơn và áp dụng triệt để hơn các quy định hình sự trong xử lý để tạo sức răn đe”, Luật sư Quyên đề xuất.
Có thể bạn quan tâm