Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Phân loại bằng lái mới để... hội nhập quốc tế?
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cấp 17 loại bằng lái xe là “bắt buộc phải làm nếu muốn hội nhập quốc tế”.
Theo đó, Luật Giao thông đường bộ hiện hành của Việt Nam quy định có 13 loại bằng lái và Công ước Viên 1968 mà Việt Nam là thành viên từ năm 2015, cũng có quy định số lượng tương đương, tuy nhiên, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), lấy ý kiến lại đề xuất, có tới 17 loại bằng lái khác nhau.
Cụ thể, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đề xuất đổi bằng lái xe, phân loại lại với 17 loại, gồm: A0, A1, A, B1, B2, B, BE, C1, C, C1E, CE, D, D1, D2, D1E, D2E, DE (thay cho 13 bằng đang cấp hiện hành gồm: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE), trong đó, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải từ 16 tuổi trở lên và có bằng A0, các bằng còn lại cấp cho người từ 18 tuổi trở lên.
Các bằng A0, A1, A, B1 không quy định thời hạn, bằng B2 có thời hạn tới khi người lái xe đủ 60 tuổi, sau đó định kỳ 10 năm đổi 1 lần; các bằng còn lại phải đổi theo định kỳ 5-10 năm.
Chia sẻ với báo chí, Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) - Lương Duyên Thống cho biết: Năm 2015 Việt Nam tham gia Công ước Viên 1968, công ước cho phép Việt Nam có 5 năm để đưa các quy định trong công ước vào luật. Nếu quá thời hạn trên, Việt Nam chưa thực hiện cam kết sẽ xem như không tham gia công ước nữa, bằng lái xe Việt Nam sẽ không còn được thừa nhận giữa các nước thành viên.
Công ước Viên chia các hạng xe để cấp bằng lái có 1 số điểm khác với Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam hiện hành, như các nước không cấp bằng lái cho người dưới 18 tuổi, còn Việt Nam cấp bằng cho cả người từ 16 tuổi trở lên; theo Công ước Viên, các nước thành viên cấp bằng cho người lái xe tải chia làm 2 loại, loại C1 cho lái xe tải 3,5-7,5 tấn, C cho lái xe trên 7,5 tấn. Còn Việt Nam chỉ có bằng loại C cấp cho lái xe tải từ 3,5 tấn trở lên… “Nếu sau 5 năm Việt Nam không tiến hành các bước để luật hoá các quy định tại Công ước Viên, xem như chúng ta không tham gia công ước”, ông Thông nói.
Cũng theo đại diện Tổng cục Đường bộ, khi luật hóa Công ước Viên, người có bằng lái xe Việt Nam khi ra nước ngoài điều khiển xe sẽ thuận lợi hơn. Với các bằng cấp riêng theo điều kiện của Việt Nam, như bằng A0, B2, D2, D2E, các nước có thể công nhận hoặc không, tuỳ từng quốc gia.
Liên quan đến vấn đề xử lý chuyển tiếp với các bằng đang cấp hiện nay, ông Thống cho hay: Người dân vẫn sử dụng bình thường, với những bằng cấp không xác định thời hạn, người dân không cần đổi lại bằng mới nếu không có nhu cầu. Người dân không phải lo lắng, nguyên tắc của pháp luật là không hồi tố.
"Những trường hợp khi hết thời hạn sẽ được đổi sang hạng bằng mới. Ví dụ, bằng B1 số tự động hiện nay được đổi sang bằng B2 mới; bằng hạng B1, B2 số sàn được đổi sang bằng hạng B. Khi đổi bằng lái hết hạn sẽ có tính phí như quy định hiện nay", ông Thống nói.
Ngoài ra, theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cấp 17 loại bằng lái xe: “bắt buộc phải làm nếu muốn hội nhập quốc tế”(?).
Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia, việc đề xuất 17 loại bằng mà Bộ GTVT đã đưa ra còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó, đa phần không đồng nhất với số lượng bằng lái theo đề xuất mà Bộ đã đưa ra.
Thông tin với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - Nguyễn Văn Quyền cho biết, nếu phải phân loại lại bằng lái xe phù hợp với công ước quốc tế, trong luật nên quy định rõ điều khoản chuyển tiếp, điều này để người dân yên tâm sử dụng các loại bằng đã được pháp luật công nhận, không gây phiền hà, nhiêu khê.
Cũng theo ông Quyền: “Các loại bằng cần hài hoà giữa công ước quốc tế và thực tế Việt Nam, nhưng cũng cần suy xét để giảm bớt số lượng, tránh phiền toái cho người dân”.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, quy định cần gọn nhẹ, đơn giản, tạo điều kiện cho người dân. Do đó, đề xuất 17 loại bằng lái xe mới của Bộ GTVT là quá nhiều và phiền hà.
“Nếu cái nào tương đồng có thể gộp lại với nhau để giảm số lượng bằng lái, tạo điều kiện cho người dân, giảm phiền toái, tiết kiệm thời gian, chi phí, chúng ta hội nhập, tiếp thu kinh nghiệm thế giới, nhưng cũng cần triển khai phù hợp với thực tế Việt Nam, không nên sao chép toàn bộ”, ông Thuỷ nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm