Vấn nạn sách giả, sách lậu (Bài 4): Mập mờ... khái niệm?
Không chỉ “lúng túng” về rào cản pháp lý, cuộc chiến chống sách giả, sách lậu hiện nay còn vướng mắc nhiều, khi chưa thể phân định được “lằn ranh”... khái niệm sách giả - sách lậu còn mơ hồ...
Câu chuyện về vấn nạn sách giả, sách lậu tưởng chừng như không có hồi kết, khi xoay quanh vấn nạn này là bài ca muôn thủa “Lợi nhuận cao – rào cản thấp”, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đề cập tại số báo thứ 54 (2.368) ra ngày thứ sáu 03/7/2020, hay những vụ việc, công lý có dấu hiệu bị “bẻ cong”, chưa nghiêng về sách thật… Thế nhưng, trên thực tế, nếu làm rõ “lằn ranh” về sách giả - sách lậu, hoàn toàn có thể đưa ra những biện pháp xử lý đủ tính răn đe.
Mập mờ… “ranh giới”
Theo một chuyên gia trong ngành xuất bản chia sẻ, khái niệm về sách giả, sách lậu hiện nay còn được hiểu vô cùng mơ hồ, giả dụ, nếu xét về hành vi sách lậu thì có thể hiểu đây là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới về các loại sách, hay, việc cá nhân, doanh nghiệp cố tình “nối bản” số lượng sách ngoài giấy phép được các cơ quan quản lý, NXB cấp, với mục đích trốn thuế, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Thực tế, trên thị trường sách hiện nay, chỉ tồn tại hai khái niệm “hoặc là sách thật hoặc là sách giả”, và sách lậu có thể quy vào mặt hàng giả bởi sách lậu là sách in ấn và phát hành trái pháp luật, không có văn bản hợp pháp chứng minh nguồn gốc tác phẩm, quyền sở hữu đối với tác phẩm trong phạm vi thị trường, không có giấy phép đăng ký xuất bản hợp pháp (giấy phép của NXB),…
Cũng theo ý kiến của vị chuyên gia này, quy trình xuất bản sách thường bao gồm ba khâu: biên tập, in ấn, phát hành, trong đó khâu đoạn biên tập là khâu đoạn quan trọng nhất bởi đây là khởi nguồn nội dung cuốn sách và cũng là khâu tiêu tốn nhiều chi phí nhất của các Công ty sách, NXB,… bao gồm, tiền bản quyền, tiền biên tập, dàn trang thiết kế,… Ngoài ra, trong quy trình xuất bản thì khâu in ấn được cho là khó kiểm soát nhất và dễ phát sinh sách giả, sách lậu.
“Vậy nên, khi ra thị trường, sách giả, sách lậu thường rẻ hơn rất nhiều so với sách thật được ấn hành bởi các NXB, các công ty sách,… bởi vì khâu biên tập hoàn toàn được bỏ qua. Để nhận diện sách giả, sách lậu bằng hình thức, có thể nhận thấy, bìa sách xấu hơn, màu dễ phai hơn, mỏng hơn, kém chất lượng hơn, khổ nhỏ hơn,… đặc biệt, nếu người đọc để ý, có thể phát hiện nhiều lỗi câu chữ, chính tả,…”, vị chuyên gia này nói.
Làm rõ hành vi vi phạm
Như đã nói, thực trạng sách giả, sách lậu tràn lan trên thị trường một phần xuất phát từ hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, nhưng một phần cũng xuất phát từ việc chưa đưa được hành vi vi phạm về đúng “bản chất”, nên việc áp dụng xử lý chưa đủ sức răn đe và chưa đem lại hiệu ứng trên thực tế.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH luật Hà Việt cho biết: Hiện nay, việc xử lý hành vi buôn bán, sản xuất sách giả, sách lậu chỉ dừng lại ở lĩnh vực hành chính theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP nên nghiễm nhiên các cơ sở buôn bán, sản xuất vẫn coi nhẹ pháp luật.
Cũng theo Luật sư Luân, trên thực tế, hành vi buôn bán, sản xuất sách giả, sách lậu là hành vi mua đi bán lại, sẽ không thể quy về các tội xuất bản, in, ấn tác phẩm, vi phạm quyền tác giả và các tội liên quan đến hành vi buôn lậu khác, bởi người bán, người sản xuất biết rõ sản phẩm của mình đang bán, đang sản xuất là sản phẩm gì, lợi nhuận ra sao, hoàn toàn có thể áp dụng “tội sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung vào trong xử lý.
“Theo đó mức phạt cao nhất cho hành vi buôn bán hàng giả, đối với cá nhân có thể phạt tiền lên đến 1.000.000.000 đồng, phạt tù cao nhất lên đến 15 năm; đối với pháp nhân có thể bị phạt tiền lên đến 9.000.000.000 đồng tùy vào mức độ và hành vi vi phạm. Ngoài ra, cá nhân, pháp nhân còn có thể chịu thêm các hình thức xử phạt bổ sung”, Luật sư Luân nói.
Sách là loại hàng hóa đặc biệt, nếu ai cũng lao vào kiếm tiền trên sách, mặc nhiên buôn bán, sản xuất bất chấp vi phạm, thì thượng tôn pháp luật ở đâu?
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm