Sau màn “cất lưới” sách giả, sách lậu: Pháp luật có được thực thi?
Trước vấn nạn sách giả, sách lậu tràn lan nhiều năm qua, đặc biệt, là mảng sách dành cho giáo dục, màn “cất lưới” chiều 09/7/2020 là một câu trả lời đanh thép cho cuộc chiến chống sách giả, sách lậu…
Theo đó, chiều 09/7/2020, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp Cục QLTT Hà Nội, Đội QLTT số 17 và NXB Giáo dục Việt Nam tiến hành kiểm tra kho hàng tại số 87 phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, quá trình tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 80 đầu sách với hơn 16.000 ấn phẩm in nhãn mác đầy đủ của các NXB, trong đó, đa phần là sách của NXB Giáo dục Việt Nam.
Màn “cất lưới” này như một hệ quả tất yếu trước sự hoành hành của vấn nạn sách giả, sách lậu nhiều năm qua, thể hiện sự quyết tâm của lực lượng QLTT trên mặt trận chống hàng giả mà trước đó là cuộc “truy vết” sách giả, sách lậu chiều 07/7/2020, khi lực lượng chức năng đồng loạt ra quân kiểm tra hoạt động tại các điểm nóng về in ấn trên địa bàn TP. Hà Nội.
Thời gian qua, dư luận liên tục “nóng” lên bởi vấn nạn sách giả, sách lậu, trong đó, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có hàng loạt những bài viết đa chiều từ lời tố cáo bị xâm hại quyền lợi của các doanh nghiệp, NXB,… cho tới những bất cập, hệ lụy dẫn tới hiện trạng sách giả, sách lậu tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, quá trình đấu tranh, “truy vết”, cơ quan ngôn luận cũng luôn đồng hành cùng các lực lượng chức năng, doanh nghiệp, NXB,… trên mặt trận thông tin.
Như đã nói, trước những mong mỏi của doanh nghiệp, NXB,… cùng quyết tâm cao từ lực lượng chức năng, cuộc “truy vết” và “cất lưới” tại số 87 phố Thịnh Liệt, cùng kết quả phát hiện và thu giữ 80 đầu sách với hơn 16.000 ấn phẩm, được coi là “trận đánh” lớn nhất trên địa bàn TP. Hà Nội từ trước tới nay trong cuộc chiến chống sách giả, sách lậu.
Có thể bạn quan tâm
Cận cảnh cuộc “cất lưới” sau hành trình “truy vết” sách giả, sách lậu
17:01, 09/07/2020
Đột kích kho hàng sách giáo dục bị làm giả lớn nhất Hà Nội
16:36, 09/07/2020
Lực lượng Quản lý thị trường ra quân “truy vết” sách giả, sách lậu
13:30, 08/07/2020
Thế nhưng, từ thực tại cũng cần nhìn lại quá khứ, đó là vụ việc giữa Công ty TNHH Văn Hóa Sáng Tạo First News - Trí Việt và cơ sở gia công sau in Huy Thi. Mọi việc tưởng chừng như đã “an bài” khi chiều 12/11/2011, tại Khu tập thể Nhà máy in Bộ tổng tham mưu (Lưu Phái, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Hà Nội), Phòng PC 46 công an Hà Nội và Đội QLTT số 15 đã kiểm tra khẩn cấp cơ sở gia công sau in Huy Thi (chủ kinh doanh Nguyễn Văn Thi), thu giữ gần 10.000 cuốn sách lậu, sách giả, một số lượng lớn các trang bìa và ruột của một số cuốn sách chưa thành phẩm.
Tuy nhiên, tại phiên xử ngày 27/8/2014, cán cân công lý có dấu hiệu bị “bẻ cong” khi doanh nghiệp sản xuất sách thật lại thua cơ sở gia công sau in bị bắt làm sách giả, sách lậu tại trận, với lý do “cơ sở Huy Thi được cấp giấy phép gia công sau in, số sách của First News bị in lậu, phát hiện tại cơ sở này đã bị tiêu hủy, không thể phát hành ra thị trường vì thế không gây thiệt hại cho First News”(?).
Vậy, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, NXB,… Ai sẽ là người bảo vệ? Chưa kể, hành lang pháp lý trong xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán sách giả, sách lậu vô cùng “thấp” trong khi lợi nhuận thu lại từ hành vi này rất “cao”.
Đặc biệt, trong quá trình phát hiện và xử lý, bản chất của các hành vi kể trên lại không được đưa về đúng nghĩa, sách là loại hàng hóa đặc biệt, sách giả, sách lậu đều có thể quy là hàng giả, bởi đây là loại sách in ấn và phát hành trái pháp luật, không có văn bản hợp pháp chứng minh nguồn gốc tác phẩm, quyền sở hữu đối với tác phẩm trong phạm vi thị trường, không có giấy phép đăng ký xuất bản hợp pháp,…
Tại sao, việc xử lý hành vi buôn bán, sản xuất sách giả, sách lậu chỉ dừng lại ở lĩnh vực hành chính theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP mà không áp dụng “tội sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung? Tại hành lang pháp lý chưa đủ mạnh? Hay tại công lý bị… “bẻ cong”?
Thông tin với báo chí tại hiện trường màn “cất lưới” chiều 09/7/2020, TS. Nguyễn Đăng Quang - nguyên Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “Thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, việc cung ứng sách giáo khoa đang bước vào giai đoạn cao điểm, hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng cũng trở nên sôi động. Nếu số sách này được tung ra thị trường sẽ gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học”.
Khi những thế hệ tương lai, những mầm non của đất nước, được đào tạo từ các cuốn sách giả, sách lậu, sai lệch về nội dung, thì các em sẽ phát triển thế nào? Tại sao, trước một mối “nguy” lớn như vậy, lại có thể để tồn tại suốt nhiều năm qua? Phải chăng, phía sau hiện trạng sách giả, sách lậu này, đang có sự “tiếp tay” của hàng loạt “thế lực” chức quyền? Dư luận đang mong chờ, pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!