Thấy gì từ cách Việt Nam kiểm soát giao dịch M&A?

TS PHẠM HOÀI HUẤN 20/07/2020 06:00

Với các doanh nghiệp có quy mô từ 3.000 tỷ đồng hoặc giá trị thương vụ M&A đến 1.000 tỷ đồng là đã rơi vào tầm ngắm của Luật Cạnh tranh.

faf

Một thị trường phát triển là một thị trường mà pháp luật phải tạo nên sự thuận tiện cho các giao dịch, giảm chi phí và dễ dự đoán.

Trong khoảng 2 tháng vừa qua, tôi đã có những buổi nói chuyện với chủ đề tác động của Luật Cạnh tranh đến giao dịch M&A với Đoàn luật sư Cần Thơ và với các hãng luật chuyên thực hiện các giao dịch M&A thuộc nhóm Legal 500.

Có vài điều nổi lên từ các bài nói chuyện này là: Việt Nam đang siết các giao dịch M&A một cách đáng kinh ngạc. Với các doanh nghiệp có qui mô từ 3.000 tỷ đồng hoặc giá trị thương vụ M&A đến 1.000 tỷ đồng là đã rơi vào tầm ngắm của Luật Cạnh tranh. Các tiêu chí kiểm soát mang tính cảm tính và rất khó lượng hoá (chi tiết tại các Điều 15, 16 Nghị định 35/2020/NĐ-CP).

Từ nghiên cứu của mình, với một thái độ dè dặt, tôi cho rằng có ba kết luận sau đây được rút ra là:

Thứ nhất: Bộ Công Thương dường như đang chưa có một thái độ hoặc mục tiêu rõ ràng cho việc kiểm soát thị trường. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại phải đặt ngưỡng kiểm soát ở mức thấp như vậy? Tại sao trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam vẫn muốn phân mảnh thị trường, thay vì khuyến khích một thị trường tập trung? Làm thế nào để bảo vệ ngành sản xuất của Việt Nam trước tác động của các hiệp định thương mại tự do nếu không thể tập trung thị trường và hình thành nên các national champion?

Thứ hai: Các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sẽ phải đối diện với sự thật là chi phí giao dịch trong các vụ M&A sẽ tăng lên một cách đáng kể. Những giải trình với cơ quan cạnh tranh chưa bao giờ là các thủ tục dễ dàng. Theo đó, chi phí luật sư và các chi phí có liên quan về kế toán, tài chính và nghiên cứu thị trường cộng với thời gian chờ có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền sẽ góp phần tạo nên hệ luỵ xấu cho thị trường.

Thứ ba: Tính khó dự đoán của việc kiểm soát cũng là một trong những yếu tố gây hại. Bởi, như trên đã đề cập, các tiêu chí kiểm soát của Luật cạnh tranh mang tính cảm tính cao. Theo đó, nguyên tắc rule of reason sẽ được áp dụng một cách mạnh mẽ trong việc kiểm soát. Mặc dù về mặt câu chữ có vẻ cách diễn đạt của Nghị định 35/2020/NĐ-CP rất gần với cách mà Hoa Kỳ đang làm. Nhưng để một cơ quan cạnh tranh non trẻ của Việt Nam sử dụng cái quyền tự do cao độ giống như cách mà Hoa Kỳ dành cho DOJ (Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (United States Department of Justice hay viết tắt là DOJ) là một bộ cấp nội các trong Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ có trách nhiệm thi hành luật pháp, bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ theo luật pháp, bảo đảm làm sao việc thực thi luật pháp một cách công bằng và không thiên vị cho tất cả người Mỹ - PV), nơi mà kinh nghiệm kiểm soát cùng với mức độ phát triển ở bật nhất của thế giới, tôi cho rằng đó chưa phải là cách tiếp cận phù hợp dành cho Việt Nam, chí ít là trong giai đoạn hiện nay.

Một thị trường phát triển là một thị trường mà pháp luật phải tạo nên sự thuận tiện cho các giao dịch, giảm chi phí và dễ dự đoán nhưng cách mà Nghị định 35/2020/NĐ-CP đang áp dụng, dường như mức độ đáp ứng khía cạnh này, là rất hạn chế.

Có thể bạn quan tâm

  • Được - mất với M&A: (Bài 3) Thời cơ là hữu hạn

    Được - mất với M&A: (Bài 3) Thời cơ là hữu hạn

    06:00, 27/06/2020

  • Làn sóng M&A: Ổ nào cho “đại bàng”?

    Làn sóng M&A: Ổ nào cho “đại bàng”?

    11:30, 26/06/2020

  • M&A hậu COVID-19: (Kỳ II): Cảnh giác với các thương vụ có yếu tố Trung Quốc

    M&A hậu COVID-19: (Kỳ II): Cảnh giác với các thương vụ có yếu tố Trung Quốc

    06:00, 26/06/2020

  • Được - mất với M&A: (Bài 2) Cần có kiểm soát bằng nghị định của Chính phủ

    Được - mất với M&A: (Bài 2) Cần có kiểm soát bằng nghị định của Chính phủ

    06:00, 25/06/2020

TS PHẠM HOÀI HUẤN