Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Thiếu kiến thức hay… “lạm quyền”?
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đã để lại hàng loạt những án oan, kèm theo đó là nhiều hệ lụy,… nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, được cho xuất phát từ kiến thức của một bộ phận cán bộ…
Xoay quanh câu chuyện hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, hầu hết các doanh nhân, doanh nghiệp, người thì bị gán tội trốn thuế, người thì bị quy lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,... Nhưng tựu chung, sau nhiều năm oan sai, đến khi được trả lại tự do và đình chỉ vụ án, thì ám ảnh quanh cuộc sống của họ lại là những ngày gian nan, người tiếp tục nhiều năm ròng đi tìm công lý, người oằn lưng vì sản nghiệp không còn,… Vậy, những nỗi hàm oan này, từ đâu mà có?
Trong danh sách các doanh nhân vướng vòng lao lý, được Diễn đàn Doanh nghiệp điểm lại trong thời gian vừa qua, hầu hết đã được đình chỉ vụ án và xin lỗi, với những cái tên như: ông Hoàng Minh Tiến (Hà Nội); bà Phùng Thị Thu (Thái Bình); ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình); ông Đinh Quang Điền (TP. Buôn Ma Thuột); ông Đào Trần Thành (TP. Hồ chí Minh); ông Ngô Chí Dũng (Bạc Liêu);…
Ngoài những cái tên kể trên thì trường hợp của ông Nguyễn Văn Lượng - Giám đốc Công ty TNHH Thành Luân (Nam Định) cũng là một ví dụ điển hình cho “lỗ hổng” kiến thức của các cán bộ tham gia tố tụng.
Vụ việc xuất phát từ một tranh chấp hợp đồng đại lý bồn inox, bồn nhựa giữa Công ty TNHH Thành Luân với Công ty TNHH Tân Á, khi tranh chấp giữa hai doanh nghiệp xảy ra, điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã vào cuộc, buộc ông Nguyễn Văn Lượng phải giao nộp 100 triệu đồng cho điều tra viên với lý do để “trả cho Công ty Tân Á”(?).
Thế nhưng, sau khi hai bên thống nhất đã giải quyết xong công nợ và không còn vướng mắc, thì ông Lượng bất ngờ bị khởi tố để điều tra về hành vi “chiếm đoạt tiền” của đối tác. Rất may, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kịp thời đình chỉ điều tra sau khi có cáo trạng truy tố đối với ông Nguyễn Văn Lượng, không để hậu quả kéo dài.
Việc doanh nhân, doanh nghiệp vướng vào lao lý vốn không phải là vấn đề mới, nhưng từ những vụ việc đã qua, tiếp tục gióng lên những cảnh báo về tư duy “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự, của một bộ phận cán bộ tại cơ quan tố tụng...
Quay trở lại thông tin vụ việc xảy ra tại quán Café Xin Chào, do ông Nguyễn Văn Tấn làm chủ, bị truy tố trước pháp luật về hành vi kinh doanh trái phép, ở đây, mọi tình tiết liên quan đến vụ việc được đưa ra không quá phức tạp, nhưng, chính các cán bộ được giao điều tra, truy tố vụ việc lại cố tình đẩy vụ việc lên cao, khi liên tục, dồn dập kiểm tra, lập biên bản cơ sở này từ lúc mới đi vào hoạt động để tạo căn cứ "đã vi phạm hành chính mà vẫn vi phạm" làm cơ sở xử lý hình sự.
Trong khi, về bản chất của vụ việc, hoạt động kinh doanh bình thường của ông Tấn không thể biến thành hành vi nguy hiểm cho xã hội, nên ngay sau khi các cơ quan tố tụng thực hiện việc truy tố, đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về dấu hiệu lạm quyền…
Kết cục, khi các cơ quan có thẩm quyền cấp trên lật lại toàn bộ hồ sơ, những người có trách nhiệm đã bị xử lý, vậy, mấu chốt của vụ án ở đây là gì? Liệu điều tra viên, kiểm sát viên có phải tác nhân đóng vai trò then chốt dẫn đến oan sai của vụ án? Tại vụ việc có tình tiết phức tạp hay tại hiểu biết của các bộ tham gia tố tụng có hạn?
Theo Luật sư Nguyễn Thành Luân - Đoàn luật sư TP. Hà Nội, tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, luôn có nguy cơ cao vì ngay cả các bên tranh chấp dân sự, thương mại cũng thường có tư duy muốn đòi nợ hiệu quả bằng việc gửi đơn đến cơ quan điều tra, thay vì gửi đơn ra tòa án dân sự, từ tâm lý đó, nên trước đây và hiện nay, vẫn có rất nhiều tranh chấp dân sự không đươc giải quyết đúng pháp luật và bị “hình sự hóa”.
"Việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự luôn gây ra sự bất bình cho dư luận, bởi vụ việc được xử lý không thấu tình, đạt lý và không thu phục được lòng người, sau các vụ án này, người dân và doanh nghiệp đều cảm thấy hoang mang, không an toàn, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các cơ quan tố tụng. Đáng nói, nếu không được giám sát chặt chẽ, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự rất dễ dẫn tới việc lạm quyền của một bộ phận cán bộ tham gia hoạt động tố tụng" - Luật sư Luân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Không có bị hại vẫn kéo dài… vụ án?
04:50, 12/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Sau oan sai, thiệt hại bị... “bỏ quên”?
05:00, 07/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Một cái gõ bàn… “toang” cả doanh nghiệp!?
04:50, 04/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: “Mượn” pháp luật để… “làm càn”!?
06:10, 01/08/2020