Nghị định 91/2020/NĐ-CP: Dấu chấm hết cho quảng cáo… “rác”
Không chỉ nâng cao quyền lợi người tiêu dùng trong việc sử dụng mạng truyền thông, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, còn đưa ra những chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng quảng cáo rác…
Nhiều năm qua, tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác là vấn nạn của xã hội, gây phiền nhiễu cho người tiêu dùng sử dụng mạng viễn thông, trước thực trạng này, ngày 14/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Nghị định 91/2020/NĐ-CP ra đời, được kỳ vọng sẽ tạo một bước đột phá mới về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, ngoài những tin nhắn mà pháp luật cấm thì những tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử quảng cáo thương mại nếu không được người dùng chấp thuận đều bị chặn…
Cụ thể, Nghị định quy định rõ, mọi cuộc gọi điện thoại quảng cáo đều phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi điện thoại quảng cáo (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo.
Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước, thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước, nếu người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc tiếp tục gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đó.
Một trong những điểm nổi bật của Nghị định 91/2020/NĐ-CP, đó là việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia danh sách các thuê bao từ chối nhận mọi quảng cáo (National Do not call-DNC) bằng cách cho phép các thuê bao đăng ký hoặc hủy đăng ký thông qua cú pháp tin nhắn gửi về đầu số 5656 để có thể giám sát hoạt động gửi quảng cáo đúng quy định của pháp luật và hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Bên cạnh đó, mặc dù không “nóng” như tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thế nhưng, trong Nghị định mới vừa được ban hành, thư điện tử rác cũng được đưa vào quy phạm quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) sẽ xây dựng danh sách đen địa chỉ IP/dải IP (IP Blacklist) phát tán thư điện tử rác từ các nguồn thương mại và phi thương mại để làm cơ sở dữ liệu chung với mục đích cập nhật, chia sẻ đến các hệ thống máy chủ thư điện tử của các nhà cung cấp dịch vụ internet, tổ chức nhằm hạn chế việc bị lạm dụng để phát tán thư điện tử rác từ các máy chủ mail.
Thông tin với báo chí về Nghị định 91/2020/NĐ-CP vừa được ban hành, ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT khẳng định, những điểm mới trong nội dung của Nghị định đã thể hiện rõ sự quyết liệt của Chính phủ và Bộ TT-TT đối với việc ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác trong thời gian tới, là nền tảng vững chắc để Chính phủ và Bộ TT-TT thực hiện cam kết đối với Quốc hội trong công tác này, bởi bấy lâu nay tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác là vấn nạn của xã hội.
Theo ông Lịch, nhiều khách hàng đã phản ánh về cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác xuất hiện ngày càng nhiều gây bức xúc cho người dùng điện thoại, trong đó trong đó có cả những cuộc gọi lừa đảo, trừ cước người dùng, thế nhưng, trước đây chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định đối với đối tượng này.
“Vì vậy, trong Nghị định mới, Bộ TT-TT đã tham mưu cho Chính phủ lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về cuộc gọi rác, Nghị định đã quy định khái niệm cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác và biện pháp quản lý đối với đối tượng mới này, qua đó, lấp được lỗ hổng thiếu quy định về ngăn chặn cuộc gọi rác hiện nay” – Ông Nguyễn Khắc Lịch chia sẻ
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN đánh giá, Nghị định 91/2020/NĐ-CP ra đời là một sự đột phá, không chỉ nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, những quy định trong Nghị định mới còn đưa ra những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là chế tài và hành lang pháp lý như:
Theo Điều 3 Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định, chỉ cần người gửi vi phạm một trong sáu Luật sau: Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Quảng cáo, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng thì tin nhắn gửi đi bị xem là “rác”, ngoài ra, hành vi gửi tin nhắn “rác” còn bị cấm theo Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Hay về mặt chế tài xử lý được quy định rõ, nếu bất kỳ ai nhắn tin nhắn rác, hay thực hiện cuộc gọi rác vào những thuê bao không thích nhận quảng cáo sẽ bị phạt với mức phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng”, Luật sư Hiệp chia sẻ.
Nghị định 91/2020/NĐ-CP sẽ được áp dụng từ ngày 01/10/2020, việc áp dụng các hình thức xử phạt liên quan đến tên định danh sẽ được áp dụng từ 01/3/2021.
Có thể bạn quan tâm
VASEP: "Đưa hàng hóa xuất khẩu vào Dự thảo nghị định ghi nhãn hàng hóa là bất hợp lý!"
07:12, 11/08/2020
Nghị định về chống chuyển giá... và vướng mắc hạn chế chi phí lãi vay
06:44, 28/07/2020
Dự thảo sửa đổi Nghị định 43/2017: Quy định dán nhãn hàng hóa “cản đường” doanh nghiệp
04:30, 18/07/2020
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo tạo chồng lấn
04:30, 14/07/2020