“Loạn” vi phạm Luật Đê điều tại Hà Nội: Quận Tây Hồ có “đi ngược”… chỉ đạo?
Mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc yêu cầu kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về Đê điều tại Hà Nội, thế nhưng, điểm nóng Tây Hồ, nhiều sai phạm vẫn hoàn sai phạm…
Dù là tuyến đê thuộc cấp đặc biệt bảo vệ sự an toàn cả Thủ đô, thế nhưng, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội tình trạng vi phạm Luật Đê điều lại trở thành điểm nóng, đáng nói, sai phạm đã được các cơ quan, đơn vị cấp trên chỉ rõ, đôn đốc bằng văn bản, nhưng địa phương lại “ngó lơ” không thực hiện.
Thời gian vừa qua, trước sức nóng và tính cấp thiết của hiện trạng vi phạm Luật Đê điều tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài viết: “Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội; sau bài viết trên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6762/VPCP-NN truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên, dù được đánh giá là một quận phát triển trọng điểm của Thủ đô, thế nhưng, UBND quận Tây Hồ lại tỏ ra thờ ơ trước hàng loạt sai phạm đang tồn tại trên địa bàn, và chính sự thờ ơ của địa phương này đã biến những sai phạm từ lều lán tạm bợ, bỗng chốc thành hàng loạt những biệt thự nhà vườn nguy nga, kiên cố trên hành lang thoát lũ, bất chấp an nguy của hàng triệu tính mạng người dân Thủ đô.
Trong đó, nổi cộm lên là các công trình sai phạm tại các ngõ 1, 5, 9 và 11 khu tập thể F361, phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, mặc dù sai phạm trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương lại thờ ơ, xem nhẹ, nhiều sai phạm không được xử lý triệt để, có dấu hiệu “bao che, bảo kê” để sai phạm tồn tại.
Báo cáo số 322/BC-SNN ngày 14/8/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội cũng chỉ ra, nguyên nhân dẫn đến tình trạng kết quả xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực đê điều còn hạn chế bởi các địa phương để xảy ra sai phạm mới chỉ dừng ở mức độ đôn đốc, chỉ đạo…(?).
Vậy, trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương đang ở đâu? Tại sao nhiều năm qua, dù quyết liệt bằng “khẩu hiệu” xử lý sai phạm nhưng sai phạm vẫn mặc nhiên tồn tại? Quận Tây Hồ, có chăng cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ?
Không chỉ đang “đi ngược” với chỉ đạo mới nhất Thủ tướng ban hành về việc kiểm tra, xử lý nội dung thông tin cơ quan báo chí phản ánh, mà bản thân các lãnh đạo địa phương để xảy ra sai phạm cũng đang “đi ngược” tinh thần Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Ngoài những vi phạm nổi cộm trên địa bàn phường Yên Phụ, đã được các cơ quan, đơn vị chỉ ra thì trên địa bàn quận Tây Hồ cũng đang tồn tại hàng loạt các địa bàn khác được cho là vi phạm hành lang thoát lũ như Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng Bá… cũng đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Trong đó, nổi cộm lên vẫn là công tác “buông lỏng” quản lý hoạt động xây dựng, để người dân sử dụng đất sai mục đích, tự do lấn chiếm, mặc nhiên tồn tại,…
Tại phường Tứ Liên, trong quá trình thực địa rà soát hiện trạng, PV Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã tiếp cận hàng loạt thông tin liên quan đến việc vi phạm trong công tác quản lý đất đai, nổi cộm trong số đó là việc sử dụng, lấn chiếm đất, xây dựng công trình nhà ở kiên cố, điểm kinh doanh trên phần đất nông nghiệp, đất cơi nới, lấn chiếm hành lang thoát lũ tại ngõ 76 An Dương.
Nhiều diện tích đất không được phép thực hiện xây dựng nhà ở, công trình kiên cố vẫn mặc nhiên tồn tại ở nhiều điểm tại ngõ 76 An Dương, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội, trong đó, nổi cộm hơn cả là đoạn từ ngõ 35/76 An Dương đổ ra phía mặt sông, hàng loạt các công trình, nhà ở kiên cố được cho đang bị sử dụng sai mục đích trên diện tích đất mà địa phương này quản lý, nhiều công trình vừa quây tôn vừa xây dựng, nhiều công trình mọc ra như thể chuyện đã rồi.
Đáng nói, không ít công trình mới được mọc lên, dù nguồn gốc đất tại đây không cho phép được xây dựng nhà ở hay các công trình kiên cố, nhưng vẫn “lọt qua” sự quản lý của chính quyền địa phương một cách đáng ngờ…
Liệu chăng, chính sự “thờ ơ” của chính quyền cấp trên (UBND quận Tây Hồ) nên các địa bàn do quận quản lý, lãnh đạo địa phương cũng mặc sức “buông lỏng” để sai phạm “lọt lưới”? Hay có chăng, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên “im lặng” hòng bao che?
Những thực trạng và câu hỏi đã nêu, chúng tôi xin chuyển đến lãnh đạo UBND TP. Hà Nội để tìm câu trả lời và sẽ tiếp tục thông tin chi tiết đến bạn đọc!
Có thể bạn quan tâm
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 5): "Điểm nóng" giữa Thủ đô
14:05, 21/08/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều: Trách nhiệm thuộc về ai?
15:05, 19/08/2020
“Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý
15:38, 17/08/2020
“Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội
11:01, 12/08/2020