Mặc dù, đã có nhiều văn bản từ Bộ NN&PTNT gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, đến nay, các vi phạm vẫn diễn ra hết sức phức tạp…
Số liệu từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong khi đó mới chỉ xử lý được năm vụ, còn tồn đọng 55 vụ. Ngoài ra, rất nhiều vụ vi phạm từ những năm trước vẫn còn tồn đọng. Điển hình là từ năm 2011 đến 2019, toàn thành phố tồn đọng 1.821 vụ việc chưa được xử lý.
Tình trạng vi phạm phổ biến là xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều và trên bãi sông; đổ thải, san lấp lấn chiếm lòng sông, bãi sông; khai thác, tập kết cát sỏi trái phép ở bãi sông, lòng sông; xe quá tải trọng lưu thông trên đê. Trong đó, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ, nhất là trong thời điểm mùa mưa, bão.
Vài năm trở lại đây, tại khu vực chân cầu Chương Dương xuất hiện cơ sở kinh doanh bề thế quy mô hàng trăm mét vuông mọc ngay phía dưới chân đê sát mép sông Hồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, đe dọa an toàn của tuyến đê… Tuy nhiên, không hiểu sao chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm?
Nhiều người dân trên địa bàn bức xúc cho biết: Nếu như người dân bình thường khi xây dựng nhà cửa, quán xá mà lấn ra một chút là bị lực lượng chức năng đến kiểm tra, lập biên bản và xử lý ngay. Thế nhưng không hiểu vì sao, nhà hàng “Làng bia Quán Mộc” được xây dựng hoàn toàn không có giấy phép vẫn ngang nhiên tồn tại để hoạt động kinh doanh?
Liên quan đến những phản ánh của người dân, trao đổi với cơ quan báo chí, ông Trần Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm cũng có thông tin cụ thể: Đất có nguồn gốc là đất bãi bồi ven sông Hồng. Năm 1981, thực hiện dự án xây dựng cầu Chương Dương, các đơn vị trúng thầu thi công đã tự sử dụng để làm bãi tập kết vật liệu, văn phòng, nhà ở cho công nhân để thi công cầu. Trong đó, có Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 234 (nay là Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234).
Sau khi thi công xây dựng xong, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234 được giao nhiệm vụ quản lý, duy tu sửa chữa thường xuyên cầu Chương Dương tại địa bàn thị trấn Gia Lâm (nay là phường Ngọc Lâm). Năm 2001, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234 (viết tắt là Công ty 234 - PV) đã xây dựng nhà điều hành quản lý cầu Chương Dương tại vị trí trên. UBND thị trấn Gia Lâm đã tiến hành lập biên bản xử lý công trình xây dựng trái phép và báo cáo UBND huyện Gia Lâm xem xét giải quyết.
Tiếp đó, ngày 1/10/2014, Công ty 234 đã ký Hợp đồng cho Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong thuê một phần diện tích nhà đất khi chưa được các cơ quan thẩm quyền cho phép với thời hạn thuê 5 năm từ ngày 1/11/2014 đến hết ngày 31/10/2019. Phần diện tích còn lại Công ty 234 làm văn phòng Công ty. Ngày 18/3/2019 Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong tiếp tục ký Hợp đồng cho Công ty TNHH TM và DV STEAKWAY Việt Nam thuê nhà đất. Đây là bản Hợp đồng do 2 Công ty tự ý ký với nhau và chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
“Thời gian qua Công ty đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất với việc đầu tư xây dựng, cải tạo thành nhà hàng để kinh doanh. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại không hề báo cáo với UBND phường, vì vậy chính quyền phường đã yêu cầu đơn vị này dừng hoạt động. Đồng thời UBND phường Ngọc Lâm cũng nhiều lần yêu cầu Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 234 làm thủ tục thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội theo quy định. Song nhiều năm trôi qua đơn vị này vẫn chưa cung cấp được các giấy tờ, văn bản nêu trên”, ông Việt thông tin.
Bên cạnh những vi phạm đang diễn ra tại phường Ngọc Lâm, Bộ NN & PTNT cũng thống kê 11 điểm vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm trên địa bàn thành phố. Điển hình như tại bãi tập kết ống cống, vật liệu xây dựng của Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Vinh Huy (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm).
Nhiều thông tin, tài liệu cho thấy, khu bãi sông này nằm hoàn toàn trong không gian thoát lũ của sông Đuống, điều đáng nói là chính quyền nơi đây lại cho Công ty Vinh Huy “mượn” để làm nhà xưởng và tập kết vật liệu xây dựng.
Và kế bên nhà xưởng của Công ty Vinh Huy là bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng không phép do HTX Thành Đoàn quản lý. Có thể thấy, sai phạm đến mức có hệ thống “theo chuỗi”, nhưng đến nay UBND xã Yên Viên vẫn không quyết liệt vào cuộc xử lý.
Hay như tại trạm trộn bê-tông của Công ty CP Trọng Phụng (xã Đông Dư) được cơ quan chức năng xác định là công trình không phép, nằm trên bãi sông. Hạt quản lý đê số 6 đã có văn bản đề nghị các ngành chức năng dỡ bỏ hoàn toàn. Nhưng đến nay, trạm trộn này vẫn ngang nhiên hoạt động?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp sáng ngày 12/8, Vụ trưởng Đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) Phạm Đức Luận cho biết: Mùa mưa, lũ đã đến, công tác bảo vệ an toàn tuyến đê của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cần phải được đặc biệt quan tâm.
“Trước mắt, TP Hà Nội cần tổ chức rà soát, xây dựng phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch. Trong đó, xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng đất bãi sông, đất dành cho phát triển hệ thống đê điều để tổ chức hoạt động liên quan đến đê điều theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn thoát lũ; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”, ông Luận thông tin.
Mới đây, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội có ban hành Công văn số 2419/VP-KT, về tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Theo đó, yêu cầu cụ thể các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm ngay từ khi phát sinh.
Vậy, trước hiện trạng “loạn” vi phạm Luật Đê điều tại Hà Nội hiện nay, trách nhiệm thuộc về ai?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 1): Chính phủ “quyết liệt”, địa phương “xem thường”
11:01, 10/07/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 2): Cơ quan chức năng “xé rào” cấp phép
04:50, 17/07/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 3): Phân lô, bán nền tại “vùng cấm”
11:00, 29/07/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 4): Sai vì … “quyền lợi” người dân!?
11:05, 01/08/2020