Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 2): Cơ quan chức năng “xé rào” cấp phép

KHÔI NGUYÊN 17/07/2020 04:50

Để hai doanh nghiệp xây dựng hàng loạt công trình tại khu vực bãi ngoài đê sông Văn ÚC (Hải Phòng) là vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.

Cơ quan Thanh tra Bộ NN-PTNT đã chỉ rõ toàn bộ vi phạm nêu trên và kiến nghị xử lý, nhưng TP Hải Phòng vẫn “làm ngơ”, đáng nói, loạt vi phạm trên lại xuất phát từ việc cơ quan chức năng cấp phép sai quy định…

br class=

Một góc công trình của Công ty CP đóng tàu Thái Bình Dương

Những “điệp khúc” vi phạm

Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin tại số báo 56 (ngày 10/7/2020), tại kết luận thanh tra số 588/KL-TTr về việc chấp hành pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai do Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT ban hành ngày 29/7/2019 đã chỉ rất rõ những vi phạm về Luật Đê điều đối với Công ty Cổ phần Đóng tàu Thái Bình Dương, nằm ở K11-800 đê hữu Văn Úc (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) và Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Minh Sơn, nằm ở K12+150 đê tả Văn Úc (huyện An Lão, TP Hải Phòng).

Đáng chú ý, tại nội dung kết luận Sở Xây dựng TP Hải Phòng cấp giấy phép xây dựng không đúng quy định của Luật Đê điều, Cơ quan thanh tra đã chỉ rõ, theo Quy định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tại khu vực bãi ngoài đê hữu sông Văn Úc, tương ứng K11+800 (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) không thuộc danh mục bãi sông được nghiên cứu xây dựng các hạng mục của hai doanh nghiệp trên.

Và với hàng loạt vi phạm nghiêm trọng, Thanh tra Bộ NN-PTNT đề nghị UBND thành phố Hải Phòng phải xem xét xử lý trách nhiệm các cơ quan tham mưu và cấp Giấy phép xây dựng không đúng quy định của pháp luật về đê điều. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan, bao gồm Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Minh Sơn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đê điều, xử lý các tồn đọng nêu trên.

Thế nhưng, đến nay, mặc dù đã gần một năm kể từ khi Thanh tra Bộ NN&PTNT thanh tra, kết luận và sau đó đơn vị này cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị, đôn đốc xử lý, nhưng loạt vi phạm “khủng” nêu trên vẫn “ung dung” hiện hữu, thách thức pháp luật!? Đồng thời, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan cũng chưa hề bị xử lý?

Cần phải nói, theo các tài liệu PV thu thập được, trước khi đoàn thanh tra Bộ NN&PTNT thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm của Công ty Thái Bình Dương, năm 2010, Công ty này đã tổ chức thi công xây dựng xưởng cơ khí với diện tích 2.400m2, nhà phun sơn diện tích 2.280m2 không có giấy phép xây dựng. Dù vi phạm nghiêm trọng là vậy, song hành vi này của Công ty Thái Bình Dương chỉ bị UBND TP Hải Phòng xử phạt số tiền 30 triệu đồng.

Tháng 4/2015, Công ty Thái Bình Dương tiếp tục tổ chức xây dựng công trình văn phòng làm việc, phân xưởng vỏ không có giấy phép xây dựng, song chỉ bị Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng xử phạt số tiền 40 triệu đồng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi thông tin với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phùng Văn Thanh – Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng cho rằng: “Việc cấp phép theo bộ thủ tục hành chính; dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường… Còn các thủ tục khác không thuộc chức năng của Sở”.

Câu trả lời của vị Giám đốc Sở khiến dư luận bức xúc cho rằng, phải chăng, “quả bóng trách nhiệm ” tại địa phương này đang được “đá ngang, chuyền ngược”? Vậy, trước loạt sai phạm này, trách nhiệm thuộc về ai?

Cần nói thêm, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý đê điều và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều, ngày 28/10/2019, UBND TP Hải Phòng đã có ngay công văn số 6658/UBND-TL do Phó Chủ tịch UBND thành phố - Ông Nguyễn Đình Chuyến ký thừa lệnh Chủ tịch về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể thấy, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã rất “rốt ráo”, quyết liệt vào cuộc trước tình trạng báo động vi phạm đê điều tại địa phương. Tại Công văn này, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã giao chi tiết, cụ thể nhiệm vụ cho từng đơn vị, cơ quan, ban, ngành, trong đó có Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng.

Thế nhưng với những gì đang diễn ra hiện nay, dư luận không khỏi hoài nghi về việc, có hay không địa phương này chỉ quyết liệt kiểu “phong trào”(?).

Như vậy, trước hàng loại sai phạm nêu trên, các cơ quan chức TP Hải Phòng đã và đang làm gì? Có hay không việc “tiếp tay” cho sai phạm?

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 1): Chính phủ “quyết liệt”, địa phương “xem thường”

    Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 1): Chính phủ “quyết liệt”, địa phương “xem thường”

    11:01, 10/07/2020

  • Thái Bình: Xử lý vi phạm đê điều phải rõ trách nhiệm, tăng chế tài

    Thái Bình: Xử lý vi phạm đê điều phải rõ trách nhiệm, tăng chế tài

    04:50, 15/04/2020

  • Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đê điều

    Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đê điều

    21:17, 18/06/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 2): Cơ quan chức năng “xé rào” cấp phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO