24h

Mạnh tay xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều

Trung Thành 10/11/2024 00:06

Từ đầu năm đến nay, các địa phương tỉnh Thái Bình quyết liệt xử lý, vi phạm trong xây dựng về đê điều, cũng như hành lang thoát lũ.

Cương quyết xử lý

Theo UBND huyện Vũ Thư - Thái Bình: Trong 2 ngày 30 - 31/10, UBND huyện Vũ Thư tổ chức tháo dỡ 2 trạm trộn bê tông xây dựng trái phép trên hành lang an toàn đê, vi phạm pháp luật về đê điều tại các xã Vũ Vân và Việt Thuận.

Trước đó, UBND huyện Vũ Thư đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm hành chính đối với công trình trạm trộn bê tông của ông Vũ Văn Hùng tại bãi sông tương ứng Km182+600 đê tả Hồng Hà II, thuộc địa phận xã Vũ Vân và trạm trộn bê tông của ông Nguyễn Xuân Mai tại bãi sông tương ứng Km181+400, đê tả Hồng Hà II, thuộc địa phận xã Việt Thuận trong 2 ngày 30 - 31/10.

2(1).jpg
Thái Bình mạnh tay xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ngay trước thời điểm lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế bắt buộc, các hộ gia đình vi phạm đã xin tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm. Do đó, huyện Vũ Thư đã huy động lực lượng và phương tiện, phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ các gia đình tháo dỡ công trình vi phạm.

Đây là 2 công trình vi phạm đã tồn tại nhiều năm tại huyện Vũ Thư. Chính quyền các xã và Hạt Quản lý đê huyện Vũ Thư đã nhiều lần lập biên bản vi phạm

Trước đó, tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, công trình thủy lợi làm lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng diễn ra tràn lan nhiều năm qua ở huyện Kiến Xương, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn của các tuyến đê, gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão. Để mạnh tay xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, địa phương này đã tích cực vào cuộc xử lý, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Lương Văn Định - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Trên địa bàn huyện đa dạng các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai. Tính từ năm 2007 đến nay có gần 200 vụ lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, công trình thủy lợi như xây lán, tường, cổng dậu, làm đường điện, công trình chăn nuôi, làm đường, cải tạo công trình...

Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý song vẫn không thể giải quyết dứt điểm bởi các hộ dân sinh sống ở triền đê từ nhiều năm, nhiều hộ có nhà nhưng không có người ở, nhiều nhà đã được cấp sổ đỏ, nhiều hộ có bến bãi tập kết, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng... Do đó liên tục có những vụ vi phạm mới, trong khi chưa giải quyết được những vụ vi phạm cũ dẫn tới tồn đọng nhiều vụ việc. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, xử lý phát sinh nhiều bất cập.

Ông Vũ Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn chia sẻ: Từ năm 2018 đến nay, toàn xã có khoảng 20 vụ vi phạm hành lang bảo vệ đê. Trong đó chủ yếu là sửa chữa, cơi nới công trình cũ và xây thêm các hạng mục mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, cái khó của địa phương là có 2,6km đê đều có dân ở từ ngày xa xưa với khoảng trên 100 hộ và có các bến bãi hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng nên rất khó xử lý các vụ vi phạm.

3(1).jpg
Từ đầu năm đến nay, các địa phương tỉnh Thái Bình liên tục xử lý vi phạm trong xây dựng về đê điều cũng như hành lang thoát lũ (Ảnh minh họa)

Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Để xử lý các vi phạm cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của người dân. Ông Bùi Ngọc Trìu - Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết: Tuyến đê 223 (Hồng Hà 2) là tuyến đường huyết mạch của xã có chiều dài gần 5km, trên tuyến có hơn 3km là đường đê qua khu dân cư có các gia đình ở từ hàng chục năm nay nên việc tự ý xây dựng các công trình như lán tôn, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang bảo vệ đê là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện Công văn số 454 của UBND tỉnh, đã có 155/157 hộ tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng theo đúng chủ trương đề ra. Kết quả trên không chỉ khẳng định được uy tín, vai trò của lãnh đạo địa phương mà còn cho thấy truyền thống tốt đẹp của người dân nơi đây trong việc đồng thuận với chính quyền địa phương.

Ông Lương Văn Định - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương thông tin thêm: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, 2 tổ giúp việc ban chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện. Trong đó, yêu cầu các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Qua kiểm tra, các địa phương đã vào cuộc thực hiện quyết liệt nên đa số người dân đã có ý thức tự thu dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những vụ vi phạm lớn chưa thực hiện được như mong muốn, nhất là liên quan đến hoạt động của các bến bãi, chăn nuôi trang trại...

Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình: Thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để các chủ hộ vi phạm tự nguyện thu dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu.

Ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh, không để vi phạm tăng lên về quy mô, diện tích gây khó khăn cho quá trình xử lý. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương trong việc xử lý các vụ vi phạm, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mạnh tay xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO