Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trên các tuyến đê điều thuộc địa bàn tỉnh Nam Định vẫn diễn biến phức tạp.
>>>Nam Định: Xây dựng cầu vượt Ninh Cơ hơn 580 tỷ đồng
Vẫn còn nhiều vi phạmNam Định Nam Định
Hiện nay, tình trạng tập kết đá, cát, sỏi và lắp dựng trạm trộn bê tông trái phép trên các bãi sông ở tỉnh vẫn còn tiếp diễn. Theo Sở NNPTNT Nam Định, thời gian qua, trên các tuyến đê thuộc địa bàn tỉnh, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra phức tạp. Những vi phạm thường xảy ra như xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh vật liệu trái phép trên bãi sông; sử dụng xe quá tải đi trên đê làm hư hỏng mặt đê; đổ phế liệu, rác thải lên mái, mặt đê…
Đặc biệt tình trạng tập kết đất, đá, cát, sỏi với khối lượng rất lớn, chất đống cao từ đê ra tới bờ sông, lắp dựng trạm trộn bê tông trái phép trên bãi sông dễ gây sạt lở bờ bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều.
Theo báo cáo, từ năm 2014 đến hết năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 926 vi phạm pháp luật đê điều; trong đó, nhiều nhất là năm 2017 xảy ra 66 vụ, năm 2018 xảy ra 65 vụ, năm 2020 là 57 vụ…
Các vụ vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức, song chủ yếu là tập kết cát, đá, vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê điều, trên bãi và mái kè tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, thành phố Nam Định; xây dựng các công trình, trụ cổng, tường bao, lắp dựng cột bê tông… xảy ra ở địa bàn thành phố Nam Định, huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng.
Năm 2023 đã xảy ra 29 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, đã xử lý giải tỏa 22 vụ, còn tồn tại 7 vụ. Cụ thể, huyện Nam Trực phát sinh 11 vụ, giải tỏa 9 vụ, còn 2 vụ; thành phố Nam Định phát sinh 6 vụ, đã giải tỏa xong; huyện Vụ Bản phát sinh 4 vụ, giải tỏa 2 vụ, còn 2 vụ; huyện Nghĩa Hưng phát sinh 2 vụ, còn tồn tại 2 vụ; các huyện Xuân Trường và Hải Hậu mỗi huyện phát sinh 2 vụ, đã giải tỏa xong; huyện Mỹ Lộc phát sinh 1 vụ, còn tồn tại 1 vụ; huyện Ý Yên phát sinh 1 vụ, đã giải tỏa xong.
Ngoài ra, tại nhiều địa phương trong tỉnh còn phát sinh 99 vụ việc vi phạm công trình thủy lợi. Tình trạng vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh mặc dù đang có xu hướng giảm nhưng vẫn phức tạp. Vi phạm thường tập trung ở các công trình đầu mối, trên các tuyến kênh đi qua địa bàn các thị trấn, các khu dân cư… làm ảnh hưởng đến an toàn và năng lực công trình thủy lợi, gây ách tắc và thu hẹp dòng chảy, rất khó khăn cho công tác tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống úng, lụt và gây ô nhiễm môi trường.
Cần xử lý dứt điểm
Theo ông Nguyễn Văn Thắng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định): Cần phải bảo vệ công trình thủy lợi nếu không sẽ ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, công trình thủy lợi, cản trở thoát lũ lòng sông, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân trong tỉnh. Để xử lý hiệu quả các vi phạm pháp luật về đê điều, các cơ quan chức năng cần lập kế hoạch, phương án và tổ chức xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn tại từ năm 2014 đến nay. Các vi phạm gây mất ổn định công trình đê điều, làm thu hẹp dòng chảy tại các kênh mương cần phải giải tỏa ngay.
Để giải quyết dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, mới đây, ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013 có hiệu lực từ ngày 1/5/2014.
Tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; chú trọng triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/6/2014 của UBND tỉnh việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục các đối tượng vi phạm tự giải tỏa; tổ chức phân loại vi phạm, xây dựng kế hoạch giải; có biện pháp cưỡng chế, xử phạt hành chính, nếu có tình trạng chống đối thì xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đê điều, công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm, không để tái phạm; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, xử lý hành vi vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi.
Theo đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai. Kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên toàn hệ thống đê, bãi sông và công trình thủy lợi trên địa bàn để xây dựng kế hoạch giải tỏa.
Giải tỏa dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng, nổi cộm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ; thanh thải vật liệu tập kết trái phép. Thường xuyên kiểm tra kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý dứt điểm.
Về phía Sở NNPTNT, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu đơn vị này chỉ đạo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, thủy lợi thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi để kịp thời phát hiện ngay từ giờ đầu.
Phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra, nắm vững số liệu theo dõi chặt chẽ tình trạng vi phạm và báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh, Bộ NNPTNT.
Ngoài ra, sớm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Có thể bạn quan tâm