Tình hình thiên tai ở Việt Nam luôn diễn biến bất thường, trong khi đó những vi phạm pháp luật về đê điều lại đang ở mức báo động, hiện đã trở thành một “vấn nạn”,,,
Số liệu báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho thấy, hiện cả nước có gần 9.300 km đê; Đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có trên 2.700 km. Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có dấu hiệu ngày càng gia tăng, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê điều ở nước ta.
Vi phạm chưa có dấu hiệu thuyên giảm
Đánh giá tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều đang diễn biến hết sức khó lường, ngày 7/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý đê điều và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều. Trong đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh, đối với các vụ vi phạm nổi cộm, trường hợp xác định đủ điều kiện cấu thành hành vi phạm tội, cần xử lý hình sự theo quy định.
Có thể thấy, Chính phủ rất quyết liệt trước vấn nạn này, nhiều địa phương cũng đã “rốt ráo” vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thế nhưng, thực tế ở một số nơi, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Điển hình như tại Hải phòng, công trình “khủng” với quy mô hàng chục nghìn mét vuông vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Thậm chí, Thanh tra bộ NN&PTNT đã chỉ rõ sai phạm đồng thời đề nghị xử lý nghiêm. Nhưng đến nay vi phạm vẫn nghiễm nhiên tồn tại, thách thức dư luận, “xem thường” chỉ đạo của Chính phủ(!?).
Theo đó, đại công trình thứ nhất của Công ty Cổ phần Đóng tàu Thái Bình Dương, nằm ở K11-800 đê hữu Văn Úc (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), gồm 06 tổ hợp phân xưởng gia công cơ khí, diện tích 23,921m2; 250m cầu tầu (KT 250x20m), trong đó đã xây dựng hoàn thành 200m, 50m đang triển khai dây dựng, kết cấu bằng bê tông cốt thép trên bệ cọc cao; triền đà chiều dài 263m.
Cơ quan Thanh tra chỉ rõ, việc cấp giấy phép xây dựng đối với hạng mục 06 tổ hợp nhà phân xưởng gia công cơ khí, diện tích 23.921m2 là không đúng quy định của Luật Đê điều. Còn các hạng mục cầu tàu dài 250m, triền đà chiều dài 263m, tại thời điểm thanh tra, Công ty Thái Bình Dương chưa được UBND TP Hải Phòng cấp giấy phép xây dựng.
Tương tự, đại công trình thứ hai của Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Minh Sơn, nằm ở K12+150 đê tả Văn Úc (huyện An Lão, TP Hải Phòng), gồm 02 nhà xưởng đang xây dựng, tổng diện tích 5.694m2; 01 văn phòng cấp IV diện tích 277m2; 03 trạm trộn bê tông công suất 50m3/giờ; 200m tường rào lưới B40; 01 mố cầu cảng 50m2.
Thanh tra Bộ NN&PTNT xác định, 02 nhà xưởng và 01 văn phòng của Công ty Minh Sơn được xây dựng theo Giấy phép xây dựng số 28/GPXD ngày 13/8/2018, do Sở Xây dựng TP Hải Phòng cấp. Tuy nhiên, việc Sở Xây dựng TP Hải Phòng cấp giấy phép xây dựng các hạng mục này không đúng theo quy định của Luật Đê điều.
Đối với các hạng mục mố cầu 50m2, 03 trạm trạm trộn bê tông công suất 50m3/giờ, 200m tường rào lưới B40, tại thời điểm thanh tra, các hạng mục này chưa được UBND TP Hải Phòng cấp phép.
Sáng ngày 09/7, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) cho hay, những vi phạm này được phát hiện từ năm 2018 và đây là 2 vụ vi phạm mà Bộ NN&PTNT đã có kết luận thanh tra và gửi kiến nghị xử lý nhiều lần, nhưng đến nay TP Hải Phòng vẫn chưa thực hiện.
“Đoàn Thanh tra vừa kết thúc đợt làm việc tại Hải Phòng, đây là đợt thanh tra theo Quyết định 262/QĐ-TTr ngày 22/5/2020 của Bộ NN&PTNT về việc thanh tra diện rộng chấp hành pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai, chúng tôi sẽ tiếp tục có thông báo đôn đốc xử lý vi phạm tại địa phương này”, Vụ trưởng Vụ đê điều cho biết.
Kỳ 2: Cần làm rõ trách nhiệm của Sở Xây dựng Hải Phòng?
Có thể bạn quan tâm
11:38, 07/07/2020
10:32, 07/07/2020
10:28, 07/07/2020
14:06, 06/07/2020