24h

Nam Định: Nỗ lực xử lý vi phạm về pháp luật đê điều

Trung Thành 03/09/2024 00:30

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm tại các bến bãi ven sông. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Thời gian qua, trên các tuyến đê thuộc địa bàn tỉnh Nam Định, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra phức tạp, những vi phạm thường xảy ra như xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh vật liệu trái phép trên bãi sông; sử dụng xe quá tải đi trên đê làm hư hỏng mặt đê, đổ phế liệu, rác thải lên mái, mặt đê,…

2(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc kiểm tra hạng mục xây dựng tường kè thay thế con trạch đất trên đê hữu sông Hồng (Ảnh Báo Nam Định)

Điểm nóng vẫn còn

Theo lãnh đạo huyện Nam Trực: Thời gian qua, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ an toàn công trình đê điều, đồng thời tích cực kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đê điều.

Qua công tác giám sát, kiểm tra, lực lượng chức năng của huyện Nam Trực đã phát hiện hộ ông Phạm Văn Thử, xóm Cầu Tranh, xã Nam Hùng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn kênh Châu Thành theo Điều 8 Luật Thủy lợi và hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ.

Ngày 1/8/2024, UBND huyện đã lập biên bản, yêu cầu gia đình ông Thử tháo dỡ phần tường bao dài 4,8m, cao 1,4m và phần lan cạp bờ hữu kênh Châu Thành trả lại hiện trạng ban đầu. Đồng thời không xây mới thêm. UBND xã Nam Hùng tổ chức phân công lực lượng kiểm tra, giám sát kiên quyết không để gia đình ông Thử xây dựng lại, nếu phát hiện sẽ xử lý ngay…

Đây chỉ là một trong những trường hợp vi phạm pháp luật đê điều được các cơ quan, ban, ngành chức năng của huyện Nam Trực phát hiện, xử lý kịp thời theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Qua kiểm tra, đánh giá của các ban, ngành và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nam Trực cho thấy: Tình trạng xây dựng cơi nới công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều và xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên bãi sông vẫn còn xảy ra ở một số xã. Hiện tượng xe ô tô chở cát, đá, sỏi quá tải trọng cho phép từ các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng đi trên đê gây hư hỏng mặt đê vẫn diễn ra. Trên một số tuyến kênh vẫn có tình trạng đăng, đó, vó, bè gây cản trở dòng chảy.

Các trường hợp vi phạm thường tập trung trên các tuyến sông, tuyến kênh đi qua địa bàn các khu dân cư làm ảnh hưởng đến an toàn và năng lực công trình thủy lợi (CTTL), gây ách tắc và thu hẹp dòng chảy nên rất khó khăn cho công tác tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống úng, lụt và gây ô nhiễm môi trường...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ đê điều. Một số vi phạm phát sinh từ lâu dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, giải tỏa dứt điểm. Có nhiều trường hợp lực lượng quản lý đê chuyên trách phát hiện vi phạm, lập biên bản, báo cáo nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Trực: Trong 6 năm (2017-2023), toàn huyện xảy ra 42 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Nam Trực đã xử lý, giải tỏa được 43 vụ vi phạm (bao gồm cả vi phạm cũ tồn lưu); riêng từ năm 2017 đến nay đã xử lý được 22 vụ.

Theo đó, UBND huyện Nam Trực giao Hạt quản lý đê Nam Trực, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát các vi phạm pháp luật đê điều; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm mới phát sinh.

Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trực cho biết: “Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân nhận thức đầy đủ hành vi vi phạm, tự giác giải tỏa, xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng của huyện sẽ tăng cường quản lý và kiên quyết không để bất cứ trường hợp vi phạm về đê điều, thủy lợi mới phát sinh. Nếu có phát sinh thì phải xử lý ngay từ ban đầu, không để hình thành công trình gây khó khăn cho công tác xử lý.

Đối với những vụ vi phạm cũ đang còn tồn tại, tổ chức phân loại, xác định nguyên nhân rõ từng trường hợp, nhất là các bãi kinh doanh vật tư xây dựng gây bức xúc thì tập trung tuyên truyền, vận động các hộ chuyển đổi nghề nghiệp kinh doanh. Từng bước hạn chế quy mô hoạt động kinh doanh bến bãi.

3.jpg
Bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại thị trấn Nam Giang nằm trong hành lang bảo vệ an toàn tuyến đê sông Đào (Ảnh Báo Nam Định)

Về lâu dài sẽ khảo sát, tính toán và đề nghị cấp có thẩm quyền tổ chức quy hoạch cụ thể không gian, vị trí để có giải pháp phát triển phù hợp vừa bảo đảm phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đất bãi, vừa bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo đúng quy định”.

Nỗ lực xử lý

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nam Định, thời gian qua, trên các tuyến đê thuộc địa bàn tỉnh, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra phức tạp. Những vi phạm thường xảy ra như xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh vật liệu trái phép trên bãi sông. Sử dụng xe quá tải đi trên đê làm hư hỏng mặt đê; đổ phế liệu, rác thải lên mái, mặt đê…

Đặc biệt tình trạng tập kết đất, đá, cát, sỏi với khối lượng rất lớn, chất đống cao từ đê ra tới bờ sông, lắp dựng trạm trộn bê tông trái phép trên bãi sông dễ gây sạt lở bờ bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc, yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ công trình đê điều, công trình phòng chống thiên tai. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đê nhằm bảo đảm an toàn các tuyến đê, kè, cống trong mùa mưa bão năm 2024.

Được biết, để hạn chế các vụ vi phạm pháp luật đê điều phát sinh, hàng năm, UBND tỉnh Nam Định đã tăng cường chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, địa phương chú trọng nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý đê điều. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh đá, cát gây ảnh hưởng đến an toàn đê.

Đồng thời, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, các trường hợp đổ rác thải, phế liệu trên mặt đê, thân đê. Tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định: Để hạn chế tình trạng vi phạm đê điều, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai. Kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên toàn hệ thống đê, bãi sông và công trình thủy lợi trên địa bàn để xây dựng kế hoạch giải tỏa.

Giải tỏa dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng, nổi cộm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ; thanh thải vật liệu tập kết trái phép. Thường xuyên kiểm tra kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý dứt điểm.

1(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc kiểm tra đê, kè Cồn Tư (Giao Thủy)

Về phía Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu đơn vị này chỉ đạo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, thủy lợi thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi để kịp thời phát hiện ngay từ giờ đầu.

Phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra, nắm vững số liệu theo dõi chặt chẽ tình trạng vi phạm và báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, sớm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Nỗ lực xử lý vi phạm về pháp luật đê điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO