Hai ngân hàng tranh chấp một con nợ: BIDV Long Biên Hà Nội có nguy cơ mất tài sản?

LAN VŨ 10/09/2020 05:10

Vietcombank Hải Phòng là bên nhận bảo đảm trước, đã tiến hành khởi kiện ra tòa và thắng kiện, do đó BIDV Long Biên Hà Nội đang bị rủi ro và có nguy cơ không thu hồi được nợ.

Đó là nhận định của Luật sư Lê Bá Châu – Giám đốc Công ty Luật CMA, đoàn Luật sư TP Hải Phòng trong vụ hai ngân hàng tranh chấp một… con nợ là nhà máy luyện gang Vạn Lợi (Hải Phòng).

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, do không trả được nợ, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Hải Phòng (Vietcombank Hải Phòng) đã đưa tài sản là dây chuyền máy móc thiết bị, nhà xưởng… (giai đoạn 1) của nhà máy luyện gang Vạn Lợi tại xã An Hồng, An Dương (Hải Phòng) như: nhà điều hành, nhà ăn ca, đường ray xe pooctic, trạm biến áp… của nhà máy luyện gang Vạn Lợi để thực hiện bán đấu giá tài sản.

Trong khi Vietcombank Hải Phòng ra thông báo đấu giá tài sản trên, thì Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Long Biên Hà Nội (BIDV Long Biên Hà Nội) cũng đã có thông báo về nguy cơ tranh chấp khi mua tài sản đấu nhá của nhà máy Luyện gang Vạn Lợi giai đoạn 1 và các hạng mục khác của nhà máy hình thành trong tương lai. Bởi, Công ty Vạn Lợi đã thực hiện đầu tư đồng thời 2 giai đoạn của nhà máy và thế chấp các tài sản là dây chuyền máy móc thiết bị, nhà xưởng và các hạng mục khác cho 2 tổ chức tín dụng. Giai đoạn 1 của nhà máy công ty vay vốn đầu tư tại Vietcombank Hải Phòng, giai đoạn 2 công ty vay vốn tại BIDV Long Biên Hà Nội. Trong quá trình đầu tư nhà máy, có nhiều hạng mục được dùng chung cho cả 2 giai đoạn: nhà điều hành, nhà ăn ca, nhà để xe, trạm cân 120 tấn… Do đó, việc phân chia từng hạng mục riêng lẻ để thực hiện bán đấu giá theo từng giao đoạn được cho là không thể thực hiện được. Người trúng đấu giá sẽ có nguy cơ xảy ra rủi ro pháp lý.

Luật sư Lê Bá Châu – Giám đốc Công ty Luật CMA, đoàn Luật sư TP Hải Phòng

Luật sư Lê Bá Châu – Giám đốc Công ty Luật CMA, đoàn Luật sư TP Hải Phòng

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Lê Bá Châu - Giám đốc Công ty Luật CMA – Đoàn Luật sư TP Hải Phòng cho biết, việc cảnh báo rủi ro hay yêu cầu tòa án xác định phần tài sản bảo đảm cho khoản vay của mình nằm trong tài sản bán đấu giá của Vietcombank Hải Phòng từ BIDV Long Biên Hà Nội có thể hạn chế việc đấu giá tài sản của Vietcombank Hải Phòng. Tuy nhiên việc đưa ra cảnh báo này là không sai. Trong trường hợp này chúng ta cần phải xem lại gốc của vấn đề, bởi 1 tài sản đang được dùng để thế chấp bảo đảm cho nhiều khoản vay, trong đó Vietcombank Hải Phòng là bên nhận bảo đảm trước và BIDV Long Biên Hà Nội là bên nhận thế chấp sau. Rõ ràng Vietcombank Hải Phòng có bản án có hiệu lực pháp luật của TAND TP Hải Phòng và BIDV Long Biên Hà Nội đang bị rủi ro.

Luật sư Lê Bá Châu cũng đưa ra một số yếu tố để xem xét: giao dịch đầu của Vietcombank Hải Phòng đã đăng ký giao dịch bảo đảm chưa, tài sản bảo đảm là bất động sản (nhà xưởng), vậy các nhà xưởng này khi thế chấp các bên căn cứ vào đâu để thế chấp, nhận thế chấp? Bên thế chấp (Công ty Vạn Lợi) tại thời điểm thế chấp giai đoạn 2 có thông báo cho BIDV Long Biên Hà Nội về việc những tài sản này đang được dùng thế chấp tại Vietcombank Hải Phòng hay không? Bởi việc thế chấp sau nếu tài sản không rõ ràng thì chỉ được thực hiện nếu Vietcombank Hải Phòng đồng ý. Khi Vietcombank Hải Phòng khởi kiện Công ty Vạn Lợi, vấn đề này đã được làm rõ trong vụ án hay chưa và BIDV Long Biên Hà Nội có được tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hay không? Khi xử lý tài sản bảo đảm này BIDV Long Biên Hà Nội có được thông báo hay không?

Hiện, nhà máy luyện gang Vạn Lợi đang bị người dân phong tỏa vì gây ô nhiễm môi trường

Hiện, nhà máy luyện gang Vạn Lợi đang bị người dân phong tỏa vì gây ô nhiễm môi trường

"Trường hợp Công ty Vạn Lợi cố tình không thông báo cho BIDV Long Biên thì BIDV có thể sẽ không biết nếu như nhà xưởng này không được đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp này Vạn Lợi vi phạm nghĩa vụ của bên thế chấp, vi phạm về cho vay có thể gây hậu quả là một phần vốn vay của BIDV Long Biên Hà Nội bằng tài sản này không được bảo đảm và có nguy cơ không thu hồi được. Còn nếu BIDV chưa tham gia vụ án của Vietcombank kiện Vạn Lợi tức là quá trình giải quyết bản án thiếu người tham gia tố tụng, trường hợp này đúng ra BIDV Long Biên Hà Nội phải làm đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm tùy tính chất" – Luật sư Châu cho biết.

Theo quan điểm của Luật sư Châu, sự việc khó có thể giải quyết hài hòa được quyền lợi giữa các bên vì trong việc thi hành án này không có tên của BIDV Long Biên Hà Nội. Nếu Vietcombank đợi được BIDV khởi kiện Vạn Lợi xong cùng thống nhất cùng xử lý đối với các hạng mục dùng chung này thì tốt nhưng thường họ sẽ không đợi. Vì theo quy định của pháp luật họ đang có bản án có hiệu lực, sao lại phải đợi.

Nói thêm về việc BIDV Long Biên Hà Nội khiếu nại Cục thi hành án TP Hải Phòng, Luật sư Châu cho rằng đó là không đúng. Bởi bản án đã có hiệu lực, Chi cục thi hành án phải thi hành theo đúng bản án.

Có thể bạn quan tâm

  • “Lùm xùm” đấu giáp/Nhà máy Luyện gang Vạn Lợi

    “Lùm xùm” đấu giá Nhà máy Luyện gang Vạn Lợi

    22:46, 08/09/2020

  • Khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi

    Khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi

    11:23, 24/04/2020

  • Hải Phòng: Hi hữu hai ngân hàng tranh chấp một... con nợ

    Hải Phòng: Hi hữu hai ngân hàng tranh chấp một... con nợ

    04:10, 08/09/2020

LAN VŨ