Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Gần 8 năm, 1 nỗi oan “lơ lửng”?
Được kỳ vọng sẽ là một doanh nghiệp tiềm năng khi được quản trị bởi 2 tiến sĩ chuyên ngành Thủy sản, thế nhưng, Công ty CP Aquafeed Cửu Long lại “đắm phà” khi người đứng đầu vướng vòng lao lý…
Khởi tố vụ án từ ngày 17/01/2013, thế nhưng, đã gần 8 năm trôi qua, vụ án ở Agribank Trà Vinh và Công ty CP Aquafeed Cửu Long vẫn chưa đến hồi kết, 2 doanh nhân Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Hồng Nam vẫn phải sống trong thân phận bị can, bị cáo, và từng bị tuyên phạt 24 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/12/2018, mặc dù đã được Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, không đủ căn cứ để buộc tội nên tuyên hủy án sơ thẩm, nhưng 2 doanh nhân Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Hồng Nam vẫn kêu cứu vì nỗi oan vẫn treo “lơ lửng”, chưa được giải... Những bài học nhãn tiền về hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự ở đâu?
Năm 2007, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh Trà Vinh đầu tư vào Khu công nghiệp Long Đức, ông Nguyễn Hữu Lộc (SN 1959) và các đồng nghiệp thành lập Công ty CP Aquafeed Cửu Long (Công ty Aquafeed) do ông làm Chủ tịch HĐQT, chuyên về lĩnh vực chế biến thức ăn thủy sản, nuôi cá tra.
Năm 2011, ông Nguyễn Hồng Nam (SN 1968) gia nhập Công ty Aquafeed, với chức danh Tổng giám đốc.
Doanh nghiệp ra đời được kỳ vọng sẽ làm ăn lâu dài, mang lại những kỹ thuật công nghệ tiên tiến, giúp bà con nông dân làm giàu, dưới sự lãnh đạo của 2 vị tiến sĩ chuyên ngành thủy sản, ngoài dây chuyền máy móc hiện đại nhập từ Hoa Kỳ, châu Âu, Công ty Aquafeed còn đầu tư xây nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế; phòng thí nghiệm, trung tâm thuốc thú y, vùng nuôi đối chứng, cầu cảng giao hàng...
Quá trình hoạt động, Công ty Aquafeed vay vốn Agribank - Chi nhánh tỉnh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh) theo hạn mức tín dụng có thế chấp và bằng tài sản đảm bảo vốn vay lúc nào cũng nhiều hơn khoản vay, thời điểm vay cao nhất là 100 tỷ đồng thì tài sản thế chấp là 136,2 tỷ đồng, vốn vay chỉ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thế nhưng tai họa bất ngờ ập đến, từ đơn đề nghị hỗ trợ thu hồi công nợ của ngân hàng, ngày 17/01/2013, Cơ quan điều tra – Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" 2 doanh nhân cùng 3 đồng nghiệp khác bỗng chốc trở thành bị can, toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp bị trì trệ.
Suốt quá trình tố tụng, các bị can liên tục khiếu nại, kêu oan nhưng kết luận điều tra và cáo trạng vẫn kết luận, Công ty Aquafeed sử dụng 50 hóa đơn "khống" làm chứng từ để Agribank Trà Vinh giải ngân hơn 54,17 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng số 01AQ/HĐTD (gọi tắt HĐTD số 01) ngày 01/3/2011.
Trong đó, ông Lộc chiếm đoạt 28,07 tỷ đồng; ông Trần Vũ Dũng (thành viên HĐQT Aquafeed) chiếm đoạt 26,1 tỷ, vụ án chưa đưa ra xét xử, tài sản của doanh nghiệp đã được tháo dỡ kê biên để bán với giá rẻ, bất chấp sự phản đối của các cổ đông, đẩy Aquafeed vào tình trạng phá sản.
Không chỉ dừng lại ở đó, tại phiên tòa ngày 09/2/2018, TAND tỉnh Trà Vinh tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Hữu Lộc 14 năm tù, Đỗ Thái Hòa 12 năm tù, Nguyễn Hồng Nam 10 năm tù, Bùi Thị Tuyết Mai 10 năm tù và Trần Vũ Dũng 7 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139, BLHS 1999.
Không bằng lòng với bản án đã tuyên, các bị cáo đồng loạt kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/12/2018, đại diện VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Chưa đủ căn cứ để buộc các bị cáo tội lừa đảo; quá trình xử lý vụ án, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, do đó, đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm.
Cũng tại phiên tòa này, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên bản án số 691/2018/HSPT, hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh với nhận định: Tài sản mà Aquafeed thế chấp trị giá 136,2 tỷ đảm bảo đủ để thực hiện nghĩa vụ vay 100 tỷ đồng, quá trình thực hiện HĐTD số 01, Aquafeed không vi phạm, khoản vay chưa đến hạn trả nợ nên ngân hàng chưa thiệt hại, Aquafeed với hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại thể hiện phương án đầu tư lâu dài, bền vững...
Việc ký kết HĐTD số 01 là quan hệ dân sự, không có hành vi gian dối, cũng không có hành vi chiếm đoạt; Agribank không bị thiệt hại vì tài sản thế chấp đủ để trả nợ trong trường hợp Aquafeed phá sản. Do đó, hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo, HĐXX của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên.
Mọi chuyện tưởng đã bình yên, lẽ phải đứng về phía doanh nghiệp, thế nhưng, khi đang chờ kết luận điều tra để được giải oan, đầu tháng 3/2020, TAND tối cao đã ra Quyết định kháng nghị số 11/2019/KN-HS ngày 09/12/2019 đề nghị hủy bản án số 691/2018/HSPT để xét xử phúc thẩm lại vụ án, vậy là nỗi oan vẫn còn treo “lơ lửng” và hồi kết của bản án vẫn chưa thể dừng…
Thông tin với báo chí trước đó, ông Nguyễn Hữu Lộc cho biết: "Tôi được cơ quan tố tụng tỉnh Trà Vinh triệu tập để điều tra lại cho đến cuối năm 2019, tức hơn 1 năm sau khi bản án phúc thẩm tuyên, qua luật sư tôi mới biết TAND tối cao đã ra Quyết định kháng nghị số 11/2019/KN-HS đề ngày 09/12/2019 (dấu của Bưu điện gửi ngày 03/3/2020), đề nghị hủy bản án số 691 để xét xử phúc thẩm lại, đến ngày 31/8/2020, tôi vẫn chưa nhận được quyết định nào, khiến nỗi oan còn kéo dài!".
Liên quan đến vụ việc, được biết, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - TS luật, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, cũng đã 2 lần ký văn bản gửi Viện trưởng VKSND tối cao, Ban Nội chính Trung ương cùng các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại các bản án và Quyết định số 11 của TAND tối cao vì cho rằng Quyết định kháng nghị chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án, có dấu hiệu bênh vực cho Bản án sơ thẩm.
Có thể bạn quan tâm
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Thiếu kiến thức hay… “lạm quyền”?
04:50, 18/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Không có bị hại vẫn kéo dài… vụ án?
04:50, 12/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Sau oan sai, thiệt hại bị... “bỏ quên”?
05:00, 07/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Một cái gõ bàn… “toang” cả doanh nghiệp!?
04:50, 04/08/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: “Mượn” pháp luật để… “làm càn”!?
06:10, 01/08/2020