Đất "vàng" nhà nước và hành trình tư nhân hóa (Kỳ 1): Những thương vụ hợp tác “ma quỷ”!
Thời gian qua, hàng chục ngàn hecta đất công ở những vị trí đắc địa tại nhiều tỉnh thành bị tư nhân “thâu tóm”, kịch bản góp vốn - thoái vốn trong những thương vụ “ma quỷ” khiến đất vàng “chảy máu”…
Câu chuyện đại gia Vũ “nhôm” thâu tóm hàng loạt đất vàng ở Đà Nẵng, hay những lùm xùm liên quan đến việc xác định giá trị đất đai trong bài toán cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong những năm gần đây đã cho thấy một thực tế, quỹ đất vàng đã và đang bị thâu tóm bằng nhiều cách thức, đủ loại “chiêu trò”…
Mới đây, lần đầu tiên trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển Bộ Công an điều tra 12 vụ việc có dấu hiệu sai phạm, trong đó có hàng chục ngàn hecta đất bị lấn chiếm, nhiều hợp tác sau đó thoái vốn dẫn đến Nhà nước mất đất “vàng”.
Theo đó, ngày 25/9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp cao su VN, Tổng công ty Lâm nghiệp VN và Tổng công ty Chè VN.
Đặc biệt, tại Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng... có nhiều khu nhà đất công sản ở những vị trí đắc địa đã bị "rơi" vào tay một số công ty tư nhân.
Theo kết luận của TTCP, khu đất "vàng" số 25D Cát Linh (Q.Đống Đa, Hà Nội) với diện tích 60,9m2 do Tổng công ty Chè VN ký hợp đồng với Sở TN&MT thuê có thu tiền thuê đất hằng năm.
Tuy nhiên, cơ sở nhà đất này được doanh nghiệp trên đem góp vốn liên doanh liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh để xây dựng khu nhà trung tâm thương mại và dịch vụ.
Điều đáng nói là giá trị quyền sử dụng 60,9m2 đất được tổng công ty và bên liên doanh xác định là... 3,5 tỉ đồng. Theo kết luận thanh tra, HĐQT Tổng công ty Chè có nghị quyết về việc thoái vốn đầu tư tại số 25D Cát Linh. Đến thời điểm thanh tra, khu đất "vàng" này do Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh đang quản lý sử dụng.
Tương tự, khu đất "vàng" ở số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM) có diện tích 446,8m2 đã được Sở TN&MT ký các hợp đồng, phụ lục hợp đồng cho chi nhánh Tổng công ty Chè - Công ty TNHH MTV tại TP.HCM thuê đất.
Năm 2008, Bộ NN&PTNT có văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Chè lập dự án đầu tư xây dựng công trình nhà làm việc và văn phòng cho thuê. Vào năm 2009, HĐQT tổng công ty có nghị quyết phê duyệt chủ trương hợp tác cho thuê làm văn phòng lâu dài với Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ GB, thời hạn cho thuê theo hợp đồng đã được ký kết là 35 năm.
Tuy nhiên, đến năm 2013 HĐQT tổng công ty có nghị quyết thực hiện việc thoái vốn là tài sản tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, không thông qua đấu giá. Và tại thời điểm hiện nay, khu đất này do Công ty GB quản lý sử dụng và được TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, các khu đất 1.500m2 phố Trần Khát Chân (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) và khu đất diện tích hơn 1.800m2 tại 126 Lạch Tray (Q.Ngô Quyền, Hải Phòng) cũng là đất công sản được giao cho chi nhánh của Tổng công ty Chè xây dựng hoặc cho thuê nhưng đến nay đều rơi vào tay tư nhân.
Một số chuyên gia cho rằng, kẽ hở pháp lý là một trong những tác nhân dẫn đến việc “đất vàng” dễ bị doanh nghiệp tư nhân thâu tóm. Cụ thể, về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, hiện tại Nghị định về cổ phần hóa của Chính phủ quy định không tính giá trị đất đai với trường hợp thuê đất của Nhà nước, nhưng theo Luật Đất đai 2013, thuê đất có hai trường hợp: thuê trả tiền một lần khác với thuê trả tiền hàng năm. Điều này thể hiện sự mâu thuẫn trong các quy định của Nghị định và Luật, đối với trường hợp thuê đất nếu không tính giá trị đất thì không phù hợp. Bởi, nếu thuê đất trả tiền một lần thì rõ ràng đã có tích lũy giá trị tài sản doanh nghiệp. Nếu không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa là làm thất thoát tài sản.
Ngoài ra, hàng loạt cơ sở công như trường học, trụ sở bộ, ngành… sau di dời được chuyển nhượng cho doanh nghiệp đầu tư bất động sản với giá rẻ để trở thành dự án nhà ở chính là biến “của công thành của ông”, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Và thực tế, pháp luật vẫn chưa có quy định về cơ chế tài chính, chuyển nhượng cũng như cơ chế xử lý đối với việc gây thất thoát tài sản của Nhà nước trong trường hợp này.
Dường như đất công luôn là miếng mồi cho các doanh nghiệp “bạch tuộc” vươn vòi ôm trọn. “Của công” nghiễm nhiên sẽ thành “của ông” để “vỗ béo” cho những cá nhân, những nhóm lợi ích phát triển. Đã đến lúc chúng ta cần nhận rõ các chiêu trò của những “bạch tuộc” hút máu, để mạnh tay chặt đứt những “chiếc vòi” đang ngày càng vươn dài để bảo vệ quỹ đất công, trả về đúng giá trị của nó(?!).
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Khó quản lý, thu hồi “đất vàng”, vì sao?
04:30, 25/09/2020
"Đất vàng" vào tay doanh nghiệp tại Bình Thuận (Kỳ 3): Dân khổ vì… “văn bản hỏa tốc”?
04:30, 23/09/2020
Liên doanh để trục lợi, chiếm “đất vàng”? (Kỳ cuối)
05:40, 16/09/2020
Liên doanh để chiếm “đất vàng” (Kỳ 4): Chia nhỏ đất để liên doanh
05:30, 15/09/2020
Ẵm đất vàng 10 năm, "đứa con cưng" của quận Cầu Giấy bao giờ mới hồi sinh?
07:00, 11/09/2020
Liên doanh để chiếm “đất vàng” (Kỳ 3): Hàng tỷ đồng tiền cho thuê đất “bốc hơi” vì yếu tố “khách quan”?
05:45, 10/09/2020