Bị áp hạn chót, trạm BOT thu phí không dừng vẫn “ì ạch” vì đâu?
Mặc dù Chỉ thị số 39/CT-TTg đã nhấn mạnh, thời gian chậm nhất cho việc thực hiện các trạm BOT chuyển sang thu phí điện tử không dừng là 31/12/2020, thế nhưng, đến nay, dự án này vẫn “ách tắc”…
Theo đó, sau nhiều lần bị chậm tiến độ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC), nội dung của Chỉ thị nhấn mạnh, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng, trạm nào không thực hiện đúng thời hạn sẽ bị xem xét tạm dừng thu phí, thế nhưng, trên thực tế, tình hình triển khai dự án này lại không mấy khả quan.
Theo báo cáo từ Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2) có tổng số 33 trạm thuộc quản lý của 22 nhà đầu tư BOT, đến nay, mới có 9 nhà đầu tư đang quản lý 16 trạm thu phí ký hợp đồng thu phí tự động không dừng với nhà cung cấp dịch vụ.
Với tiến độ như hiện nay, nguy cơ chậm tiến độ việc triển khai thu phí không dừng giai đoạn 2 đang dần hiện hữu.
Trong đó, Bộ GTVT lý giải, nguyên nhân dẫn đến sự chậm chễ này xuất phát từ vấn đề về hợp đồng, các nhà đầu tư BOT đang đưa ra yêu cầu, sẽ chỉ bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ lắp thiết bị thu phí không dừng khi đã có văn bản chấp thuận của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho dự án BOT, trong khi, hiện nay các ngân hàng và tổ chức tín dụng đang siết chặt khoản cho vay đầu tư vào dự án BOT giao thông
Ngoài ra, điểm vênh nhau trong cách tính doanh thu thu phí bị thất thoát do hành vi vi phạm của các bên, trong vận hành trạm thu phí, mức phí dịch vụ giữa nhà đầu tư BOT và cơ quan quản lý Nhà nước cũng là vướng mắc được đơn vị này viện dẫn.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, những vấn đề liên quan đến hợp đồng hay sự thiếu nhất quán về mặt quan điểm giữa nhà đầu tư BOT và cơ quan quản lý Nhà nước như đã nêu, không phải là vướng mắc đáng lo ngại nhất, việc dán thẻ E-tag (thẻ thu phí không dừng) cho các phương tiện và những vấn đề nảy sinh xung quanh những chiếc thẻ này mới là vấn đề mấu chốt.
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, trong tổng số 3,5 triệu phương tiện, hiện nay, cả nước mới có khoảng 900.000 phương tiện được dán thẻ E-tag, tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng dịch vụ này cũng rất thấp (khoảng 20%).
Thông tin với báo chí, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, với hàng loạt vấn đề vướng mắc trong việc triển khai dự án thu phí không dừng như hiện nay, khả năng Bộ GTVT hoàn thành được dự án đúng với tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra là không cao.
Theo chuyên gia này, nguyên nhân sâu xa khiến dự án thu phí không dừng liên tục gặp vướng mắc trong nhiều năm qua chính bởi thái độ thiếu hợp tác của các nhà đầu tư BOT.
TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích, sự thiếu hợp tác này không phải ngẫu nhiên mà hoàn toàn có chủ đích, việc lắp đặt thu phí không dừng sẽ kéo theo đó phải công khai, minh bạch. Việc nhiều nhà đầu tư BOT cố tình đưa ra những “yêu sách” quá đáng trong thời gian qua cũng vì họ muốn câu giờ, kéo dài thời gian triển khai dự án.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thủy, một lý do nữa khiến dự án thu phí không dừng bị chậm tiến độ, chính là sự thiếu quyết liệt, dứt khoát của Bộ GTVT.
Còn theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, số lượng phương tiện dán thẻ E-tag như hiện nay là quá ít và chắc chắn số lượng thẻ đã dán được sử dụng sẽ còn ít hơn, nguyên nhân chính khiến lượng phương tiện dán thẻ E - tag tăng chậm như hiện nay do chưa có chế tài xử phạt đối với những trường hợp không dán.
“Không phải cái gì mới cũng được người dân đón nhận nếu như cái mới đó không cho thấy sự ưu việt vượt trội hay mang đến lợi ích rõ ràng so với cái cũ, vấn đề thu phí không dừng cũng vậy…” – ông Bùi Danh Liên phân tích.
Có thể bạn quan tâm