Xử lý tấm thu năng lượng mặt trời hết hạn: Không để thành bãi rác không lồ
Xoay quanh câu chuyện xử lý tấm thu năng lượng mặt trời hết hạn, nhiều ý kiến cho rằng rác thải từ các công trình này có thể là quả bom hẹn giờ nếu không có phương pháp xử lý hay tái chế…
Với tuổi thọ trung bình của một tấm thu năng lượng mặt trời là khoảng 25 năm, khi được các nước trên thế giới lắp đặt từ đầu những năm 2000, cho đến nay cũng đến đã sắp hết hạn sử dụng, vấn đề biến nó thành rác thải hay tái chế luôn là câu hỏi thường trực đối với hầu hết các nước đang phát triển năng lượng mặt trời, không riêng gì Việt Nam.
Trong đó, theo phân tích của các nhà khoa học công nghệ năng lượng mặt trời phục vụ cho sản xuất điện được phân loại thành: Công nghệ quang điện (Solar Photovoltaic-PV); Công nghệ năng lượng mặt trời hội tụ (Concentrating Solar Thermal Power-CSP) hay công nghệ nhiệt điện mặt trời.
Chất đóng góp chính vào tổng trọng lượng của mô-đun tinh thể bán dẫn silicon crystalline silicon (c-Si) (a typical crystalline silicon PV module) là thủy tinh (75%), tiếp theo là polyme (10%), nhôm (8%), silicon (5%), đồng (1%) và một lượng nhỏ bạc, thiếc, chì, và các kim loại và linh kiện khác.
Chì và thiếc, nếu bị ngấm vào đất và nước ngầm sẽ gây ra các mối lo ngại về sức khỏe và môi trường, trong khi đồng, bạc và silic mang lại cơ hội tạo ra giá trị mới nếu được thu hồi hiệu quả. Vì vậy, thay vì phương án chôn lấp nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp tái chế để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và lấy lại các vật liệu có giá trị trong bảng điều khiển.
Trong số các vật liệu có giá trị từ các tấm pin mặt trời, silicon mang đến cơ hội tốt nhất, nhờ chiếm tỷ trọng chính và độ tinh khiết cực cao (99,9999%). Silicon từ chất thải PV có thể được thu hồi cho các ứng dụng thứ hai trong các tấm pin mặt trời hoặc được tái sử dụng cho các ứng dụng giá trị gia tăng trong cực dương của pin Lithium-ion thế hệ 3b.
Với những giá trị cốt lõi như đã nêu, vậy ở Việt Nam, phương án nào sẽ được triển khai xử lý khi những tấm thu năng lượng mặt trời hết hạn?
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thời gian sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời là khá dài, khoảng 20-25 năm, do đó, thời gian tới, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin mặt trời khi hết hạn. Nhưng trước mắt, phải tính tới việc bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm này để nâng cao tuổi thọ những tấm pin năng lượng mặt trời hiện hữu.
Thông tin với báo chí, ông Diệp Bảo Cánh - Chủ tịch Công ty Mặt Trời đỏ cho rằng pin mặt trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại, bên cạnh đó cũng khẳng định: “Pin này đều có thể tái chế từ silicon, pin, kính… Vấn đề là các doanh nghiệp phải có nguồn kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội”.
Thực tế, trên thế giới hiện nay, khi pin mặt trời sắp hết hạn sử dụng, mới chỉ có một vài phương án xử lý đang được áp dụng tại các nước EU, bởi theo luật của khối này, các nhà sản xuất được yêu cầu phải đảm bảo những tấm pin mặt trời của họ tái chế đúng cách, còn tại Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, các yêu cầu về tái chế pin mặt trời vẫn đang được bàn thảo, xây dựng cơ chế.
Riêng tại Mỹ, hiện mới chỉ bang Washington có luật quy định việc này, từ năm 2017, nghị viện bang đã thông qua luật buộc các nhà sản xuất pin mặt trời phải cung cấp cho công chúng một cách thuận tiện, an toàn về môi trường để tái chế tất cả các tấm pin quang điện họ mua từ sau ngày 01/7/2017.
Trong khi đó, liên quan đến việc tái chế những tấm thu nặng lượng mặt trời, chi phí bỏ ra cũng là không hề rẻ, liệu kỳ vọng không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội, có thể hiện thực hóa?
Nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ xử lý tấm pin mặt trời sau khi sử dụng đã có, dù chi phí khá cao nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian tới, chi phí này sẽ ngày càng giảm và phù hợp với các nhà đầu tư dự án điện mặt trời.
Có thể bạn quan tâm