Hà Tĩnh: Mô hình chống sa mạc hóa bị... sa mạc hóa
Sau 4 năm, dự án nông nghiệp công nghệ cao chống sa mạc hóa vùng ven biển Hà Tĩnh lại trở thành bãi đất cát, dấu tích về những vùng rau xanh mướt bị xóa sạch...
Năm 2013, hàng ngàn diện tích đất cát ven biển Hà Tĩnh bị sa mạc hóa sau khi khai thác titan. Tỉnh Hà Tĩnh đã cử người sang Dong shan (Trung Quốc) nghiên cứu, học tập mô hình trồng rau, củ quả trên cát. Sau đó, Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) là đơn vị được giao tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất thí điểm trên diện tích 12ha đất cát ở xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà).
Tổng kinh phí tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ cho dự án này là hơn 18 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, Mitraco Hà Tĩnh bỏ thêm kinh phí lắp đặt các thiết bị nông nghiệp công nghệ cao và cải tạo đất để sản xuất. Mục tiêu của dự án nhằm góp phần chống sa mạc hóa; tạo ra sản phẩm hàng hóa sạch cung ứng cho người tiêu dùng.
Đợt trồng thử nghiệm thành công, tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Mitraco Hà Tĩnh hướng dẫn người dân ở vùng ven biển thực hiện mô hình này. Ngoài việc được hỗ trợ giống và chi phí đầu tư hạ tầng, người dân còn được Mitraco Hà Tĩnh nhận bao tiêu sản phẩm. Người dân các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân nhanh chóng bắt tay sản xuất.
Chỉ sau một thời gian ngắn, dải đất cát ven biển trở thành cánh đồng rau củ quả xanh tốt, cho thu nhập đáng kể. Thời điểm “thịnh vượng” nhất toàn tỉnh có 18 hợp tác xã, tổ hợp tác trổng rau, củ quả trên cát được thành lập, khoảng 300 ha diện tích cát ven biển và vườn nhà dân được phủ xanh rau củ. Nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn tham gia như Công ty CP Môi trường đô thị, Công ty Đầu tư và Phát triển Công thương Miền Trung…
Theo kế hoạch ban đầu, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc quy hoạch các vùng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trên cát với diện tích 684,1ha. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, tổng diện tích sử dụng mới chỉ đạt khoảng 230ha. “Thời hoàng kim” của dự án chẳng được bao lâu, số diện tích sản xuất rau trên cát giảm dần.
Mitraco Hà Tĩnh là doanh nghiệp chủ đạo của mô hình này, cao điểm nhất cũng chỉ sản xuất được 30 ha và đến đầu năm 2017 thì thu hẹp xuống còn 4 - 5ha. Những vùng đất từng được phủ xanh bằng các loại rau củ nay nhường chỗ cho cỏ dại mọc, hệ thống vòi phun theo công nghệ Irael cũ kỹ, chỏng chơ, hoen ố. Mô hình chống sa mạc hóa nay tiếp tục bị... sa mạc hóa.
Được biết, năm 2016, sau thời gian hoạt động cầm chừng, UBND tỉnh đã thu hồi đất giao cho tập đoàn FLC, công ty Mitraco Hà Tĩnh cũng nhượng lại dự án cho doanh nghiệp này với giá hơn 8 tỷ đồng…
Vậy, nguyên nhân từ đâu dự án nông nghiệp công nghệ cao “chết yểu”, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 4 - Câu chuyện từ quốc tế
14:30, 04/12/2020
DOANH NHÂN - DOANH NGHIỆP TUẦN TỪ 30/11 - 5/12: Xóa điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao
11:00, 06/12/2020
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 2 - Vì sao doanh nghiệp “e dè”?
11:00, 02/12/2020
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 3- Vì sao doanh nghiệp “e dè”?
03:23, 01/12/2020
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 1 - Dòng vốn đầu tư và hành trình thay đổi tư duy
11:15, 30/11/2020