Sai phạm tại dự án lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Biết sai, chờ hoài... chưa sửa!
Xoay quanh dự án chỉnh trang đô thị, lát đá vỉa hè ở Hà Nội, ngoài vấn đề xử lý trách nhiệm đang bị “bỏ quên”, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xem lại từ khâu tư vấn, thiết kế, lựa chọn vật liệu,…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, dư luận không chỉ quan ngại trước hiện trạng dự án lát đá vỉa hè tuổi thọ từ 50 – 70 năm bỗng chốc vỡ toác, rạn nứt chỉ sau 02 năm đưa vào sử dụng gây lãng phí, thất thoát ngân sách, nhếch nhác mỹ quan đô thị,… mà còn hoài nghi về chuyện xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm theo thông báo kết luận thanh tra số 675/TBKL-TTTP ngày 13/02/2018.
Biết sai, mãi... chưa sửa
Mới đây, nói về hiện trạng chất lượng vỉa hè xuống cấp đang tồn tại ở nhiều tuyến phố đang ồn ào thời gian qua như tuyến Nguyễn Trãi (quậ̣n Thanh Xuân), Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy),… đại diện Chi cục Giám định xây dựng cho rằng, “đây là những tuyến phố được lát gạch, đá từ trước năm 2018, theo thiết kế mẫu hè phố đô thị ban hành theo Quyết định số 4340/QĐ-UBND ngày 20/8/2014, trong đó có nhiều tiêu chuẩn chất lượng chưa phù hợp(?)”.
Cũng theo vị đại diện này, ngày 21/3/2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 4340/QĐ-UBND, trong đó, rút kinh nghiệm quá trình triển khai lát vỉa hè trước đây, kỹ thuật thi công lát hè, cũng như chất lượng vật liệu đã được chấn chỉnh, hướng dẫn cụ thể; nhất là về độ cứng bề mặt, độ chịu mài mòn, cường độ nén uốn của loại đá...
Vậy, tại sao những con phố đã xác định được nguyên nhân, lại chưa đưa vào chỉnh trang, xử lý mà vẫn để cảnh mỹ quan đô thị nhếch nhác kéo dài?
Trong khi, trên thực tế, hiện trạng hư hỏng xuống cấp tại các tuyến phố trong dự án chỉnh trang đô thị lát đá vỉa hè không phải mới xảy ra mà đã tồn tại một thời gian dài trước đó, ngoài việc để lại hình ảnh xấu cho Thủ đô, còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân qua lại, vì đâu biết sai, mãi chưa vào cuộc sửa chữa?
Lựa chọn vật liệu đá chưa phù hợp
Thông tin với báo chí, ông Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để bảo đảm độ bền vĩnh cửu của đá vỉa hè thì các cơ quan chức năng cần phải chú trọng đến khâu tư vấn, thiết kế, lựa chọn vật liệu đá phù hợp với từng khu vực.
Theo ông Chính, cần xem xét nguồn gốc của loại đá từ mỏ nào, tính hóa lý, độ bền vững, độ thấm nước của đá, không trơn trượt... việc tính toán phải chi tiết, cụ thể để bảo đảm chất lượng, kỹ thuật. Việc trồng cây cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh để tình trạng cây mọc, phát triển làm bong tróc, hỏng vỉa hè, muốn làm được việc này, cần thành lập hội đồng thẩm định, đấu thầu, xem xét và nghiệm thu để tìm ra loại đá tốt.
Đồng quan điểm trên, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng chia sẻ với báo chí: lát đá đôi khi không tốt bằng dùng gạch block bởi lát đá không có độ thấm, trong khi tiêu chuẩn thoát nước của Việt Nam có đến 20% nước thoát là thấm xuống bề mặt, điều đó có nghĩa là khi dùng đá lát thì dĩ nhiên là không còn độ thấm, không giảm tải được việc úng lụt ở trên đường phố Hà Nội, thậm chí còn tăng thêm.
“Mặt khác, các đơn vị thi công rất thích lát đá bởi đó là công việc đơn giản, không cần làm móng nên họ có thể thuê thợ thời vụ làm, chỉ cần đổ cát, thêm ít vữa, gõ gõ là xong, trong khi nếu viên đá không đúng tiêu chuẩn, thợ không có tay nghề, không căn chỉnh để xảy ra khe hở giữa viên đá và lớp cốt nền thì lập tức sẽ vỡ, không có độ bền”, ông Tùng nói.
Có thể bạn quan tâm