“Ma men” – Ám ảnh quen thuộc những ngày Tết
Mặc dù, đã có nhiều quy định xử phạt nặng, tuy nhiên, mỗi lần Tết đến Xuân về, vấn nạn “ma men” vẫn là nỗi ám ảnh quen thuộc đối với toàn xã hội...
Theo số liệu thống kê trong nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ tai nạn giao thông do nguyên nhân sử dụng rượu bia chiếm khoảng 6% - 9% trong tổng số vụ tai nạn xảy ra vào những ngày Tết.
Đến hẹn lại lên, bước vào mỗi dịp Tết là thời điểm lượng tiêu thụ rượu bia gia tăng, kéo theo đó số lượng người đã uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông ra đường là khó tránh khỏi, mặc dù, đã có nhiều quy định xử phạt nặng, tuy nhiên, vấn nạn “ma men” vẫn là nỗi ám ảnh quen thuộc đối với toàn xã hội.
Theo đó, những chiếc xe mà “ma men” ngồi sau tay lái chẳng khác nào những “cỗ quan tài di động” trên đường, không chỉ đe dọa số phận của người điều khiển mà còn tiềm ẩn nguy hiểm, đe dọa nhiều con người khác cùng lưu thông trên đường. Bởi một khi tai nạn giao thông xảy ra, tổn thất không chỉ là sức khỏe, là sinh mạng của người điều khiển phương tiện, người ngồi cùng xe mà trên thực tế nhiều vụ tai nạn liên quan đến nguyên nhân sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã để lại những hậu quả khôn lường cho những người cùng lưu thông trên đường tại thời điểm người sử dụng rượu bia gây tai nạn.
Ngoài những thiệt hại về tài sản, con người thì một vụ tai nạn còn để lại nhiều nỗi đau khác mà cha, mẹ, vợ (chồng), con, cháu... của các nạn nhân phải hướng chịu, đó là nỗi đau lớn nhất và kéo dài nhất, không phải chỉ đơn thuần là sự ra đi, sự nằm xuống của một con người.
Theo các chuyên gia, năm 2020, công tác bảo đảm an toàn giao thông có sự khởi sắc rất đáng mừng, khi đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương, kết quả này có được từ một quá trình lâu dài, kiên trì, tích cực và chủ động thực hiện những gói giải pháp đồng bộ bảo đảm an toàn giao thông.
Trong đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chính là văn bản pháp lý có vai trò quan trọng nhất trong việc kiềm chế các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, đây là văn bản pháp lý đánh dấu một bước tiến trong việc hoàn thiện công tác quản lý đối với người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã gây nhức nhối trong dư luận nhiều năm liền. Cùng với đó là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 cũng là hành lang pháp lý quan trọng giúp kiểm soát các “ma men” ngay từ “đầu ra”.
Thực tế, đã từng có thời điểm, thói quen sử dụng rượu, bia trong xã hội được kiềm tỏa một cách tối đa, những “ma men” trước khi cầm cốc bia, chén rượu đã phải đắn đo, suy xét rất nhiều, đặc biệt là khi các lực lượng chức năng ra quân xử phạt hành vi vi phạm trên khắp mọi nẻo đường, tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng, thói xấu ấy đâu lại hoàn đó, nhất là khi Tết đến Xuân về lại như một cái cớ để người sử dụng rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông vin vào.
Từ đó có thể thấy, dù chế tài xử phạt đã được nâng lên đến mức cao, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng khiến nhiều người phải e dè, lo sợ nhưng vẫn cần công tác tuyên truyền, giáo dục để thay đổi ý thức, nếp nghĩ của những “ma men”, có như vậy những ám ảnh quen thuộc của những ngày Tết mới không lặp lại nữa.
Có thể bạn quan tâm
Xử phạt hành vi ép buộc người khác uống rượu bia: Có phạt được không?
04:30, 05/10/2020
Nghị định 100 tác động thế nào tới các ngành phụ trợ đi kèm rượu bia?
06:50, 20/07/2020
Doanh nghiệp rượu bia đề xuất sửa mức phạt nồng độ cồn
15:46, 24/03/2020
CẢM XÚC XUÂN: Tết uống bia rượu, xin đừng lái xe
05:14, 31/01/2021