Nghị quyết 02/2021: Nâng cấp tính thị trường của nền kinh tế
Nếu được thực hiện thành công, Nghị quyết 02/2021 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ mở ra dư địa lớn cho tăng trưởng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Không gian cải cách còn rộng
Bình luận về những điểm mới của Nghị quyết 02, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, với Nghị quyết 2020, vấn đề cải cách thủ tục hành chính vẫn là tiến trình cần kiên quyết thực hiện. Không gian cải cách còn rộng, bởi lẽ sức cản vẫn rất lớn, bằng chứng là Việt Nam vẫn chưa vào được tốp 4 ASEAN về mức độ chuyên nghiệp và thuận lợi trong thủ tục hành chính.
Cùng với đó, điểm khác biệt là không chỉ dừng lại ở cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh như giai đoạn 2016-2020, việc cải thiện môi trường kinh doanh tới đây còn phải nâng cấp tính thị trường cho nền kinh tế; đồng nghĩa với việc tập trung phát triển các thị trường là nhân tố sản xuất, để các loại thị trường này thực hiện vai trò chủ yếu trong huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực.
Ông Hiếu cũng nhấn mạnh, không còn dừng lại ở việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, năm 2021 sẽ là năm tập trung thực hiện, phát huy những giải pháp mạnh mẽ đã có. Trong số những dấu ấn quan trọng của Quốc hội khóa XIV, không thể không kể đến hàng loạt đạo luật về môi trường kinh doanh như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thẳng thắn mà nói, hiệu quả thực thi của các đạo luật này vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ gần như chưa nhận được lợi ích gì từ Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa... Bên cạnh đó, nhiều cơ hội đã được mở ra từ các FTA thế hệ mới, nhưng làm thế nào để tận dụng được một cách hiệu quả nhất…
Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn nữa
Về phần mình, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh, nếu Nghị quyết 02 được thực hiện thành công thì nền kinh tế Việt Nam còn có thể tăng trưởng cao hơn nữa, trên mức 7%.
Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng, theo TS Cung, còn rất lớn. Khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới, năm 2021, Chính phủ mới chắc chắn sẽ hành động quyết liệt để tạo đà bứt phá cho cả kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, vừa qua, Việt Nam đã đi những bước dài trong mở cửa kinh tế. Chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực thực thi và - ngay trước khi năm 2020 khép lại - từ 23 giờ ngày 31/12/2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len (UKVFTA) cũng vậy; tạo ra thị trường cực kỳ rộng lớn cho một nền kinh tế hướng xuất khẩu như Việt Nam.
Có thể nói, Việt Nam đã có những bước đi vững chắc, bài bản, tạo đà để tiếp tục nhân lên những thành công của năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2021 chỉ dài 3 trang?
16:11, 21/01/2021
Nghị quyết 02/NQ-CP: Thổi bùng ngọn lửa cải cách
04:30, 14/01/2021
Nghị quyết 02/2021: Tiếp lửa cải cách
04:50, 07/01/2021
Nghị quyết 02/NQ-CP: Chính phủ yêu cầu tạo chuyển biến mạnh hơn nữa về môi trường kinh doanh
15:13, 04/01/2021