Bài học từ “Vua tôm” Minh Phú thắng kiện chống bán phá giá

HUYỀN TRANG thực hiện 24/02/2021 11:00

CBP vừa xem xét, điều chỉnh biện pháp ban hành ngày 13/10/2020 để không áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vào thị trường Mỹ.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Tiến sĩ Phan Ngọc Tâm (Đại học Luật TP HCM) - Giám đốc điều hành Công ty luật Tín & Tâm cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm cho nhiều doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá trong tương lai. 

-Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vụ việc này, nhất là sự tác động của nó tới ngành xuất khẩu tôm, thưa ông?

Việc Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG), không tiến hành rà soát hàng năm biện pháp CBPG với sản phẩm tôm xuất khẩu của Minh Phú đồng nghĩa với việc Minh Phú là công ty duy nhất của Việt Nam không chịu mức thuế CBPG giá khi xuất khẩu tôm vào Mỹ.

Hiện nay, Mỹ là thị trường quan trọng ngành thủy sản Việt Nam. Từ năm 2005, mặt hàng tôm của Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ thị trường.

Nhìn lại, năm 2004, khi Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam, nhiều nông dân lao đao bởi không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà giá tôm trong nước sụt xuống còn 50.000-70.000 đồng một kg trong khi trước đó có thời điểm trên 130.000 đồng một kg. Khi Minh Phú không bị áp thuế thì câu chuyện như trên sẽ không lặp lại.

-Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới khiến việc Việt Nam né các vụ kiện về chống bán phá giá gần như là điều không thể. Vậy, ông có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp Việt trong việc tham gia các vụ kiện này?

Doanh nghiệp Việt Nam có lẽ phải chấp nhận thực tế rằng, kiện chống bán phá giá nói riêng hay kiện phòng vệ thương mại nói chung, bao gồm cả kiện chống trợ cấp là một loại rào cản phổ biến trong thương mại quốc tế, mà đặc biệt với Mỹ.

Khi bị kiện chống bán phá giá, thay vì buông xuôi và lảng tránh nó, các doanh nghiệp cần có thái độ ứng xử tích cực. Kinh nghiệm từ việc cùng doanh nghiệp tham gia các vụ kiện chống bán phá giá trước đây cho thấy, nếu doanh nghiệp chủ động tham gia vào vụ kiện bằng cách tham vấn các cơ quan quản lý, chủ động đứng đơn kháng kiện,… thì có thể hạn chế những thiệt hại, thậm chí là ngăn chặn được vụ kiện.

Một trong những bài học từ các vụ kiện chống bán phá giá là khi ưu thế cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa giảm sút, thị phần của họ bị suy giảm, họ có thể sử dụng mọi biện pháp có thể để ngăn cản hàng nhập khẩu. Chống bán phá giá chỉ là một trong các biện pháp mà người sản xuất nội địa có thể sử dụng.

Hoa Kỳ thông báo không áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Tạp chí Thuỷ sản

Hoa Kỳ thông báo không áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Tạp chí Thuỷ sản

Do đó, các nhà sản xuất nội địa có nhiều cơ hội trong việc ngăn cản hàng ngoại nhập. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro, không nên tập trung xuất khẩu một vài mặt hàng với khối lượng lớn vào một nước vì đây có thể là cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá.

Hiện nay, việc sử dụng chứng từ sổ sách và quy trình hạch toán kế toán của các doanh nghiệp Việt còn nhiều điều chưa hợp lý, chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc đầu tư hệ thống thông tin của mình. Hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc theo đuổi các vụ kiện, cũng như nâng cao tính hiệu quả trong quản lý kinh doanh.

-Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt thường bị điều tra và áp thuế chống lẩn tránh tại các thị trường như Ấn Độ, EU, Mỹ… ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp khi xuất khẩu vào các thị trường này?

Hàng Việt Nam đi Mỹ hoặc EU đều là nhóm sẽ bị điều tra chống bán phá giá theo phương pháp phi thị trường, tức là nhà điều tra không thừa nhận chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, nhóm 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng bị điều tra sẽ là bị đơn bắt buộc, phải báo cáo số liệu chi tiết và chính xác cho nhà điều tra Mỹ hoặc EU theo từng mã sản phẩm (cả về giá bán, chi phí, lượng tiêu thụ lẫn các yếu tố đầu vào, …). Do đó, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị nguồn lực tài chính để đầu tư cho các vấn đề kỹ thuật về pháp lý.

Việc xây dựng chiến lược thị trường xuất khẩu cần đảm bảo tránh không để cho xuất khẩu tăng đột biến vào những thị trường có thể xảy ra những khiếu kiện chống bán phá giá.

Khi bị điều tra thì doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng trong thủ tục điều tra vì nếu doanh nghiệp từ chối hợp tác, cơ quan điều tra sẽ áp dụng các thông tin có sẵn, thường rất bất lợi cho doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Vượt ải phòng vệ thương mại: Thấy gì từ thắng lợi của

    Vượt ải phòng vệ thương mại: Thấy gì từ thắng lợi của "Vua tôm" Minh Phú?

    06:00, 20/02/2021

  • Tôm Minh Phú - Thời hoàng kim trở lại?

    Tôm Minh Phú - Thời hoàng kim trở lại?

    11:00, 18/02/2021

  • Hoa Kỳ hủy bỏ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với tôm Minh Phú

    Hoa Kỳ hủy bỏ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với tôm Minh Phú

    21:00, 17/02/2021

  • Thủy sản Minh Phú sẽ kháng cáo quyết định của hải quan Mỹ

    Thủy sản Minh Phú sẽ kháng cáo quyết định của hải quan Mỹ

    08:54, 24/10/2020

HUYỀN TRANG thực hiện