Đẩy nhanh cổ phần hóa: Phải mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng đầu

GIA NGUYỄN 17/03/2021 04:30

Trước thực trạng ì ạch cổ phần hóa như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết bài toán này, ngoài hoàn thiện chính sách, cần phải mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng đầu…

Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị doanh nghiệp 443.503 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước chiếm 207.116 tỉ đồng, tuy nhiên, chỉ có 37/128 doanh nghiệp thuộc kế hoạch CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoàn thành CPH.

Đáng nói, hàng loạt "ông lớn" như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Argibank)... lỡ hẹn CPH trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để xác định giá trị doanh nghiệp...

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chậm tiến độ cổ phần hóa, trong đó có hàng loạt các

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chậm tiến độ cổ phần hóa, trong đó có các "ông lớn" ngành viễn thông - Ảnh minh họa

Lý giải về thực trạng trên, Bộ Tài chính cho biết, hầu hết doanh nghiệp thuộc diện CPH giai đoạn vừa qua đều là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai nên cần phải tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại về tài chính, hoàn thành việc xác lập pháp lý cho các cơ sở nhà đất trước thời điểm tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Để gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ CPH, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP bổ sung nhiều điểm mới, qua đó tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, khó khăn trong thực tiễn thời gian qua, đặc biệt về vấn đề sắp xếp, xử lý đất đai. Bên cạnh đó, cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, về xác định giá trị doanh nghiệp…

Theo các chuyên gia Nghị định số 140/2020/NĐ-CP sẽ là lời giải cho bài toán CPH chậm thời gian qua, bởi ngoài quy định trách nhiệm, chế tài xử lý đối với trường hợp địa phương không có ý kiến và cơ quan đại diện chủ sở hữu không phê duyệt phương án sử dụng đất đúng thời hạn, quy định cụ thể mốc thời gian như: trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận đủ ý kiến của các địa phương về phương án sử dụng đất khi CPH, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH của doanh nghiệp và phải bảo đảm phương án được phê duyệt trước thời điểm quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh những chính sách tháo gỡ, các chuyên gia cho rằng, cần phải mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng đầu - Ảnh minh họa

Bên cạnh những chính sách tháo gỡ, các chuyên gia cho rằng, cần phải mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng đầu - Ảnh minh họa

Bên cạnh mặt chính sách, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có sự thay đổi căn bản trong nhận thức, cách làm, sự quyết tâm của người đứng đầu khi triển khai CPH, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh chia sẻ, chậm CPH là "điệp khúc" thường xuyên được nhắc đến nhưng chưa có cá nhân, đơn vị nào bị xử lý trách nhiệm.

Ông Doanh phân tích, việc thiếu các quy định, chế tài dẫn đến việc quy trách nhiệm rất khó, khó xác định được khâu nào làm, cá nhân hay đơn vị nào cố tình trì hoãn quá trình CPH. Do đó, cần có các quy định rõ ràng, chế tài cụ thể để xử lý nghiêm những cá nhân né tránh trách nhiệm, đùn đẩy khi thực hiện CPH.

"Phải mạnh tay để xử lý những người đứng đầu có tâm lý sợ mất vị trí sau CPH, không ít cá nhân có tư tưởng yên vị đã và đang làm chậm tiến độ đổi mới. Do đó, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu với quá trình CPH để không xảy ra tình trạng chậm trễ như thời gian qua" - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Còn theo TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nâng cao hiệu quả quá trình thực thi các chính sách, quy định liên quan đến CPH là rất quan trọng, trong thời gian qua, khung pháp lý về CPH chúng ta đã cơ bản có nhưng việc thực thi chưa nghiêm, quá trình giám sát, xử lý trách nhiệm chưa cứng rắn. Do đó, để CPH đẩy nhanh hơn, cần quy trách nhiệm rõ ràng từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, sau đó kiên quyết xử lý trách nhiệm nếu không đạt.

Có thể bạn quan tâm

  • “Quá độ cổ phần hóa” nhìn từ Agribank

    “Quá độ cổ phần hóa” nhìn từ Agribank

    11:00, 24/01/2021

  • Khó

    Khó "bung" cổ phần hóa, thoái vốn

    11:00, 23/01/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương hướng dẫn Nghị định 140, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương hướng dẫn Nghị định 140, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

    18:01, 06/01/2021

  • Tránh bẫy cổ phần hoá khi tư nhân cung cấp dịch vụ công

    Tránh bẫy cổ phần hoá khi tư nhân cung cấp dịch vụ công

    04:50, 24/12/2020

GIA NGUYỄN