Tìm động lực cho kinh tế tư nhân
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”. Nhưng liệu chỉ một đề án có đủ để khơi thông động lực trong khu vực này?
Tôi luôn tự hỏi, vì sao, sau bao nhiêu năm nay, doanh nghiệp Việt vẫn sợ lớn lên, không dám tự tin để đương đầu với thế giới. Vì sao vậy? Từ góc nhìn của mình, tôi xin đưa ra một số ý kiến.
Ám ảnh rủi ro thể chế
Bên cạnh Nghị quyết 12 cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, ngày 3/6/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 10 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nếu xét theo thời gian, có thể nhận thấy chủ trương, chính sách thay đổi từ việc coi khối kinh tế tư nhân là bất hợp pháp, sang được thừa nhận, kinh doanh tồn tại hợp pháp vào năm 1990.
Sau đó, doanh nghiệp tư nhân được kinh doanh những gì mà cơ quan nhà nước cho phép năm 1999. Và từ năm 2000, khối kinh tế tư nhân được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Về chính trị mà nói, từ không thừa nhận đến thừa nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, tiến tới là động lực quan trọng của nền kinh tế là đã có bước tiến thay đổi rất lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ động lực để cho khu vực này bứt phá. Hiện nay chúng ta vẫn coi một bên doanh nghiệp nhà nước là lực lượng vật chất chủ yếu, một bên thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân thành động lực quan trọng, điều này có gì đó chưa cân bằng.
Trên thực tế, ở mức độ nào đó doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh, an toàn hoạt động nhưng họ vẫn cảm nhận chưa an toàn vì hệ thống pháp luật của chúng ta chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Công chức từ Trung ương đến địa phương có quyền lớn, tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro khá lớn về mặt thể chế. Một dự án có thể đang triển khai bị chặn lại, một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt có thể bị thanh tra, có thể phát hiện một lỗi từ bình thường trở thành lỗi trầm trọng. Điều này tạo dư địa cạnh tranh không lành mạnh, đối thủ có thể lợi dụng tạo ra chỗ hở để cơ quan nhà nước can thiệp vào. Khi có tranh chấp, đặc biệt tranh chấp giữa nhà nước và doanh nghiệp không có toà án xử lý công bằng.
Do đó, họ cảm nhận khi mình kinh doanh quy mô càng lớn rủi ro càng cao, đầu tư lớn không kiểm soát được rủi ro nên cứ nhỏ dần đến mức độ nào đó không lớn nữa hoặc dừng lại.
Vấn đề cần giải quyết tại thời điểm hiện nay là tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, thực thi luật lệ hiệu quả, công bằng để doanh nghiệp tư nhân yên tâm, không sợ lớn nữa.
Đến sự cần thiết phải thay đổi tư duy về vai trò của nhà nước
Công bằng mà nói trong mấy năm trở lại đây, môi trường kinh doanh Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhưng 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hiện hành vẫn là một con số rất lớn, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh. Tôi hay nói vui rằng chúng ta thường gọi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bằng các mỹ từ như: cao tốc thế hệ mới, là xa lộ thẳng tiến nhưng các tuyến đường tỉnh huyện còn quá nhiều chông gai. Tôi cùng lo ngại rằng doanh nghiệp chưa kịp lên cao tốc thì xe đã bị “hết hơi”. Như vậy thì chúng ta sẽ tận dụng cơ hội từ các FTA như thế nào?
Hơn nữa, một trong những hệ quả của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung để lại trong quản lý nền kinh tế của chúng ta hiện nay là sự lẫn lộn về vị trí, vai trò của Nhà nước và thị trường.
Thực tế, nhiều việc Nhà nước cần phải làm theo chức năng Nhà nước, nhưng trong nhiều trường hợp Nhà nước không làm hoặc làm không đầy đủ; trong khi đó lại can thiệp vào vai trò, chức năng của các chủ thể khác.
Do đó, để kinh tế tư nhân có động lực để phát triển, tôi cho rằng điều đầu tiên chúng ta phải thay đổi là phải sửa tư duy, sửa vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, rồi mới sửa hệ thống văn bản pháp luật.
Tư duy phải là thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản... Các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu.
Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất. Với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tôi cho rằng phải bỏ ít nhất một nửa số ngành nghề điều kiện kinh doanh có điều kiện hiện có thì môi trường kinh doanh Việt Nam mới có thể trở nên thông thoáng, bình đẳng được.
Yêu cầu tiếp theo có lẽ là bỏ thanh tra ngành... Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa. Hãy để các bên tự bảo vệ quyền của mình, cả bên Nhà nước và doanh nghiệp bằng cơ chế tòa án. Kinh tế thị trường cần sự phát triển của hệ thống tòa án...
Có thể bạn quan tâm
“Đừng quản lý kinh tế tư nhân bằng mọi giá”
04:50, 13/03/2021
Giải phóng nguồn lực từ kinh tế tư nhân
16:15, 12/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 13): Luật Doanh nghiệp và động lực của kinh tế tư nhân
04:55, 09/03/2021
Thủ tướng “đối thoại 2045”: Không biến các cơ chế hỗ trợ kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm”
19:57, 06/03/2021
Thủ tướng “đối thoại 2045”: Mong Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp
16:36, 06/03/2021