Hệ thống bán lẻ tiếp tay xăng dầu lậu
Việc xăng dầu giả “hoành hành” trên thị trường hiện nay khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý.
Một trong những vấn đề được các chuyên gia đặt ra, đó là xăng dầu giả, lậu không thể tiêu thụ được nếu không có hệ thống bán lẻ... tiếp tay.
Doanh nghiệp làm đúng luật hết “cửa” sống
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán xăng dầu, nhưng thực tế cho thấy, sự phối hợp đồng bộ các lực lượng chức năng ở các địa phương vẫn chưa kịp thời, hiệu quả, nhất là trách nhiệm của các đơn vị trong quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng xăng dầu và đơn vị kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường… đôi khi còn “buông lỏng” dẫn tới vấn nạn xăng dầu giả quy mô lớn vẫn còn “đất diễn”.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu làm giả loại hàng này, doanh nghiệp sẽ trốn được 4.000 đồng/lít tiền thuế môi trường, chưa kể trốn được các loại thuế, phí tương ứng với khoảng ít nhất cũng 4.000 đồng/lít.
Cụ thể, tính theo kỳ điều chỉnh gần nhất, mỗi lít xăng ERON 92 đang có giá 17.031 đồng/lít, xăng RON95 giá 18.084 đồng/lít và dầu diesel là 13.843 đồng/lít, tỉ lệ thuế, phí đang chiếm tới hơn 55-60% với xăng, khoảng 40% với dầu thì doanh nghiệp buôn lậu có thể "né" thuế, phí lên đến mức gần 10.000 đồng/lít, đó là mức "siêu lợi nhuận".
Đáng lo ngại, theo các chuyên gia, nếu các doanh nghiệp đầu mối dùng lợi thế này để cạnh tranh khi tăng chiết khấu cho các đại lý lên 3.000-3.500 đồng/lít, chắc chắn các doanh nghiệp chân chính, làm đúng luật sẽ “chết hết” do mức chiết khấu hiện chỉ khoảng 1.100-1.200 đồng/lít.
Cần quản lý chặt hệ thống bán lẻ
Theo thống kê, toàn thị trường xăng dầu hiện có hơn 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trên 300 doanh nghiệp phân phối và 16.000 cửa hàng bán lẻ.
Điều đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp đầu mối được cấp phép trong thời gian qua tăng mạnh, khi tháng 8/2019 là 32 thì đến tháng 3/2021 là 40 đầu mối. Các chuyên gia cho rằng, xăng dầu giả, lậu không thể tiêu thụ được nếu không có hệ thống bán lẻ.
Đại diện của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, tình trạng mua bán xăng dầu lậu, xăng kém chất lượng diễn ra nhiều năm trên thị trường nhưng không có biện pháp quản lý đúng cách. Nguyên nhân là nguồn xăng dầu đầu vào buôn lậu hoặc được làm giả, các đối tượng đưa vào hệ thống, cửa hàng và hợp thức hóa do nguồn đầu ra (khâu bán lẻ) không yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ nên rất dễ hợp thức hóa xăng dầu lậu.
Được biết, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối năm 2020 nhập khẩu khoảng 8,03 triệu m3/tấn xăng dầu. Tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường năm 2020 là 22,8 triệu m3/tấn. Trong số các doanh nghiệp đầu mối, có tới 15 doanh nghiệp có tổng lượng phân giao nhập khẩu chỉ khoảng 500.000 m3/tấn. Đáng chú ý, trong đó có 8 doanh nghiệp mức nhập khẩu và tổng nguồn không đạt mức cơ quan quản lý giao.
Theo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (xin giấu tên) phân tích, một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối với lượng phân giao rất thấp mà cả năm không bán nổi 5.000 m3/tấn xăng dầu thì thật sự khó hiểu. Với 10 cửa hàng và 40 đại lý để có đủ điều kiện cấp phép xăng dầu, ít nhất mỗi cửa hàng phải bán được 50m3/ tháng hoặc 500-600 m3/tấn/năm mới đủ hòa vốn. Muốn có lợi nhuận, lượng bán ra phải cao hơn nhiều mức này. Tính chung một đầu mối phải nhập và bán tối thiểu hơn 25.000m3/tấn/năm mới đủ nguồn thu để hoạt động.
“Mỗi doanh nghiệp đầu mối sở hữu 10 cửa hàng và 40 đại lý, nhưng lượng mua vào chỉ nhỏ giọt, không biết họ tồn tại như thế nào, chỉ có buôn lậu xăng dầu mới có nguồn giúp doanh nghiệp “sống” như vậy”, vị này nói.
Có thể bạn quan tâm
Xăng dầu giả tràn lan... vì đâu?
11:05, 12/03/2021
GÓC NHÌN CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI: Xăng giả lộng hành, “viên đạn 20 tỉ”
05:00, 13/03/2021
Bộ Công Thương nói gì về tình trạng xăng giả dầu lậu?
03:00, 13/03/2021
Ly kỳ vụ triệt phá đường dây làm xăng giả lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long
11:03, 20/02/2021
Xăng giả và câu hỏi trách nhiệm
11:00, 11/02/2021
Sắp xử vụ sản xuất, buôn bán xăng giả lớn nhất từ trước đến nay
16:29, 08/01/2021