PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Doanh nghiệp nguy cơ “chết yểu” vì thanh, kiểm tra
Mặc dù các doanh nghiệp được tự do kinh doanh, đảm bảo an toàn trong hoạt động, thế nhưng, dưới những tiêu cực của việc thanh, kiểm tra đã đẩy doanh nghiệp đứng trước nguy cơ “chết yểu”…
Thanh, kiểm tra là hoạt động cần thiết để kiểm soát những sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thế nhưng, vì hệ thống pháp luật chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên các cơ quan công quyền, lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương có quyền lớn, tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, chính từ những tiêu cực của việc thanh, kiểm tra, can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, sản xuất đã đẩy doanh nghiệp đứng trước nguy cơ “chết yểu”…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ông Hoàng Văn Lâm – Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Hà Trung, có địa chỉ tại tiểu khu 1, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã có đơn kêu cứu gửi đến cơ quan báo chí.
Trong đơn, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, mặc dù là một trong những doanh nghiệp hoạt động ổn định trên địa bàn nhiều năm qua, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, tạo đầu ra ổn định cho nông sản trên địa bàn, thế nhưng, sau cuộc kiểm tra liên ngành của lực lượng chức năng địa phương đã đẩy doanh nghiệp đến bên bờ vực phá sản, khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ.
Đáng nói, quá trình thực hiện kiểm tra, lực lượng chức năng không xuất trình bất cứ quyết định, văn bản nào liên quan đến hoạt động của đoàn công tác như đã nêu. Không chỉ có vậy, mặc dù là hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thế nhưng, khi ập vào doanh nghiệp, các lực lượng chức năng không có thông báo yêu cầu doanh nghiệp phối hợp mà lại tức tốc dùng búa, xà beng phá cửa, phá khóa của nhà máy, phá cửa kho xông vào lục soát, bắt doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến công nghệ máy móc thiết bị đang sử dụng… xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi đó, trước cáo buộc tem nhãn sản phẩm của doanh nghiệp đang sử dụng là thuộc của một doanh nghiệp khác, doanh nghiệp cũng đã cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, tuy nhiên, cho đến nay đã 9 tháng trôi qua, mọi quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp vẫn bị xâm hại nghiêm trọng.
Không chỉ có vậy, sau những hiện trạng đã nêu, quả bóng trách nhiệm lại đang có dấu hiệu bị đá vòng quanh, khi các lực lượng chức năng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều văn bản đảm bảo cũng như kiến nghị gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thực trạng của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Hà Trung chỉ là một trong những ví dụ mới nhất về tác động tiêu cực của hoạt động thanh, kiểm tra của thành phần kinh tế tư nhân bị xâm hại, gây ảnh hướng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ “chết yểu”. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đã nêu?
TS Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, ở mức độ nào đó doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh, an toàn hoạt động nhưng họ vẫn cảm nhận chưa an toàn vì hệ thống pháp luật của chúng ta chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Công chức từ Trung ương đến địa phương có quyền lớn, tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Cung, doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro khá lớn về mặt thể chế. Một dự án có thể đang triển khai bị chặn lại, một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt có thể bị thanh tra, có thể phát hiện một lỗi từ bình thường trở thành lỗi trầm trọng. Điều này tạo dư địa cạnh tranh không lành mạnh, đối thủ có thể lợi dụng tạo ra chỗ hở để cơ quan nhà nước can thiệp vào. Khi có tranh chấp, đặc biệt tranh chấp giữa Nhà nước và doanh nghiệp không có toà án xử lý công bằng.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, vấn đề cần giải quyết tại thời điểm hiện nay là tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, thực thi luật lệ hiệu quả, công bằng để doanh nghiệp tư nhân yên tâm. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất, với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tôi cho rằng phải bỏ ít nhất một nửa số ngành nghề điều kiện kinh doanh có điều kiện hiện có thì môi trường kinh doanh Việt Nam mới có thể trở nên thông thoáng, bình đẳng được.
“Yêu cầu tiếp theo có lẽ là bỏ thanh tra ngành... Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa, hãy để các bên tự bảo vệ quyền của mình, cả bên Nhà nước và doanh nghiệp bằng cơ chế tòa án, kinh tế thị trường cần sự phát triển của hệ thống tòa án...” – ông Cung nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp “khốn khổ” sau cuộc kiểm tra liên ngành
11:00, 17/03/2021
Doanh nghiệp “khốn khổ” sau cuộc kiểm tra liên ngành (Kỳ 2): Trách nhiệm thuộc về ai?
11:05, 19/03/2021
Xem xét không thanh kiểm tra thuế các doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID -19
00:00, 30/03/2020
Sẽ thanh kiểm tra doanh nghiệp FDI kêu lỗ vẫn mở rộng sản xuất
09:56, 21/01/2020