Tự chủ bệnh viện không dễ

KHÔI NGUYÊN 12/05/2021 15:00

Để có lời giải cho bài toán tự chủ bệnh viện công, một số ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có hướng điều chỉnh, có cơ chế, chính sách để cởi trói cho các đơn vị y tế công lập dần chuyển sang tự chủ...

 Bên cạnh mặt tích cực, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện đang tồn tại một số khó khăn đòi hỏi có giải pháp khắc phục

Bên cạnh mặt tích cực, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện đang tồn tại một số khó khăn đòi hỏi có giải pháp khắc phục

Tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nêu lên một loạt hạn chế, bất cập đang diễn ra. Đó là, hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công còn chưa đầy đủ; thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, liên doanh, liên kết, về việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập. Nhiều bệnh viện được giao tự chủ song chưa tự chủ “thực chất” do còn nhiều ràng buộc liên quan bộ máy, con người, bố trí nhân sự và biên chế.

Hành lang pháp lý chưa rõ ràng

Năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai đi tiên phong triển khai thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2012 của Chính phủ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà bệnh viện đối mặt là liên quan đến cơ chế tài chính. Theo quy định, Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Song đến nay, do một số yếu tố khách quan, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để bệnh viện tham khảo, trong khi chỉ còn 10 tháng nữa là kết thúc giai đoạn thí điểm.

"Năm 2020 dịch Covid-19 hoành hành, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú sụt giảm nhiều. Có thời điểm lượng bệnh nhân nội trú và khám ngoại trú sụt giảm lên con số hàng nghìn bệnh nhân. Tổng doanh thu của bệnh viện trong năm 2020 giảm khoảng 30%, khoảng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019”, một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Còn đối với Bệnh viện Phổi Trung ương, theo lãnh đạo đơn vị này, trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính gặp phải những thách thức không nhỏ. Khó khăn lớn nhất của vấn đề tự chủ là nền tảng ban đầu, cụ thể là cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chuyên gia cấp cao và lợi thế chuyên ngành, uy tín bệnh viện. Hành lang pháp lý chưa cụ thể, rõ ràng, đồng bộ và hợp lý.

“Hiện nay, chúng ta cơ bản vẫn áp dụng theo Nghị định 43/2006/NÐ-CP từ năm 2006, nghĩa là đã trải qua 15 năm, rất nhiều thay đổi về điều kiện xã hội… nhưng chưa được điều chỉnh. Thông tư 15/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập thì đã hết hiệu lực từ ngày 15/11/2018, đến nay chưa có quy định khác thay thế”, vị này nói.

“Cởi trói” để tự chủ

Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện này cũng cho biết, nguồn tài chính bệnh viện chủ yếu là bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng ngặt vì cơ chế thanh toán còn nhiều bất cập hoặc đang hoàn thiện. Mệnh giá BHYT thấp nên lo vỡ quỹ mà Chính phủ đã trực tiếp điều phối như giao trần, giao dự toán là bất cập với thực tế khám, chữa bệnh, do không ai có thể bảo đảm rằng năm tới sẽ có bao nhiêu người bệnh cần vào bệnh viện điều trị. Chưa kể, BHYT thanh toán chậm trễ nên bệnh viện trở thành con nợ với các đối tác cung ứng thuốc và vật tư tiêu hao, thu nhập CBNV, vì thế, bị ảnh hưởng không nhỏ.

Để tìm lời giải bài toán tự chủ bệnh viện, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội cho rằng, việc các bệnh viện hướng đến tăng thu từ tiền của bệnh nhân là chưa hợp lý, không phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Các bệnh viện trên thế giới hiện "sống" nhờ vào các nguồn thu khác như nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực; tiền tài trợ, đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; nguồn thu từ bệnh nhân chỉ là một phần.

Bên cạnh đó, PGS. TS, BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng cho rằng, mức độ tự chủ không thể áp dụng đồng bộ, đồng loạt cho tất cả các bệnh viện trong cả nước. Nếu áp dụng đồng loạt nó sẽ tạo ra sự mất công bằng đối với đơn vị cung ứng dịch vụ trong đầu tư, thu hút nhân lực, vận hành cơ chế, chính sách, giá dịch vụ y tế, thu nhập cán bộ y tế; mất công bằng đối với người bệnh trong lựa chọn chất lượng dịch vụ và giá cả,...

“Chính vì vậy, Nhà nước cần có hướng điều chỉnh, có cơ chế, chính sách để cởi trói cho các đơn vị y tế công lập dần chuyển sang tự chủ và chuyển sang mô hình một doanh nghiệp y tế”, PGS.TS, BS Kha kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cởi trói” tự chủ bệnh viện

    “Cởi trói” tự chủ bệnh viện

    16:00, 26/02/2021

  • Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Quản giá là tiên quyết

    Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Quản giá là tiên quyết

    15:15, 02/10/2020

  • Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Khoảng trống pháp lý

    Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Khoảng trống pháp lý

    21:00, 01/10/2020

  • Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Hủy hoại kinh tế thị trường?

    Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Hủy hoại kinh tế thị trường?

    06:24, 30/09/2020

  • Tự chủ bệnh viện tác động ra sao tới người bệnh?

    Tự chủ bệnh viện tác động ra sao tới người bệnh?

    01:23, 01/09/2019

KHÔI NGUYÊN