Báo động tình trạng người nhập cảnh trái phép lao động tại doanh nghiệp
Không chỉ đe dọa đến tình hình an ninh trật tự, người nhập cảnh trái phép lao động tại các doanh nghiệp còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất lớn và ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người Việt.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, từ 01/01 đến nay, đã có hơn 46.000 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó, không ít đối tượng đã lợi dụng chủ trương của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp được nhập cảnh,… nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lập danh sách xin phê duyệt, cấp thị thực nhập cảnh cho nhiều trường hợp không đúng đối tượng, không làm việc cho doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, không làm việc cho doanh nghiệp bảo lãnh…
Chưa kể, hàng loạt những vụ việc người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép sâu trong nội địa vừa bị các cơ quan chức năng triệt phá, trục xuất, khiến dư luận vô cùng quan ngại khi không chỉ đe dọa đến tình hình an ninh trật tự, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch trước diễn biến phức tạp của COVID-19 hiện nay.
Thực tế, thời gian vừa qua, lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố cũng đã liên tục phát hiện, triệt phá nhiều đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép và lao động tại Việt Nam.
Trong đó phải kể đến vụ việc của, Nguyễn Trần Anh Tuấn - một giám đốc doanh nghiệp ngành bất động sản - dịch vụ ăn uống, nhưng với thủ đoạn giả mạo chữ ký, dùng dấu doanh nghiệp đóng vào hồ sơ để bảo lãnh theo diện “chuyên gia” 12 công dân Hàn Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, thu lợi bất chính 2.400 USD.
12 công dân Hàn Quốc nhập cảnh trái phép kể trên đều đang thất nghiệp, lao động phổ thông tại quốc gia này, hoàn toàn không phải người có trình độ, lao động tay nghề cao như đăng ký, nếu đường dây này không bị triệt phá, những “chuyên gia giả” này sẽ ở đâu? Làm gì?
Cũng liên quan đến đường dây giả mạo “chuyên gia”, "nhà đầu tư", Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Đà Nẵng tiếp tục bắt giữ Lê Xuân Thành (SN 1984), trú tại tổ 53, phương Thọ Quang, quận Sơn Trà - Giám đốc Công ty TNHH Phi Anh Pro và Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Patour, cùng Tô My Hồng Anh (SN 1989), trú tại 18 Phan Thanh, quận Thanh Khê, với hành vi sử dụng pháp nhân các doanh nghiệp do Thành đăng ký để bảo lãnh cho 7 công dân Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Mới nhất, trong một cuộc kiểm tra Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, cơ quan chức năng phát hiện, trong số 102 người Trung Quốc đang làm việc chỉ đúng 1 người được cấp giấy phép lao động.
Thực trạng trên khiến dư luận vô cùng quan ngại khi tình hình người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để tìm việc làm đã thật sự đáng báo động, nhất là khi người nhập cảnh trái phép ngày một gia tăng.
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 5/5, trung tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã cho biết: Riêng số lượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, theo báo cáo của Công an 39/63 tỉnh, đã lên tới 1.343 người.
Trung tướng Tô Ân Xô cũng cho rằng: Tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn mang nguy cơ dịch bệnh rất lớn và ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người Việt.
Thực tế trên cho thấy, đang có những “kẽ hở” trong việc quản lý lao động nước ngoài, chỉ đến khi dịch COVID-19 với nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn mới để lộ ra những “kẽ hở” đã có.
Mới đây, để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương.
Trên cơ sở đó, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp,… Kiên quyết không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp, báo cáo kết quả rà soát về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Việc làm) trước ngày 25/5/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ và khoản 1 Điều 152 Bộ luật Lao động năm 2019 (Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động (hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động) và không tuân thủ các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. |
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng: Lộ đường dây "chuyên gia rởm" nhập cảnh trái phép
16:50, 12/05/2021
"Khởi tố kiên quyết gần 200 đối tượng nhập cảnh trái phép gây nguy cơ bùng dịch"
13:11, 07/05/2021
Vĩnh Phúc: Tạm giam đối tượng đưa 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
17:40, 04/05/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: An Giang, Đồng Tháp không để sót, lọt người nhập cảnh trái phép lây lan COVID-19
00:00, 01/05/2021