Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Bất cập trong bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu

GIA NGUYỄN 28/05/2021 04:30

Ngày 26/5, tổ chức The Rice Trader ra thông cáo cảnh báo Việt Nam có thể mất quyền tham dự cuộc thi gạo ngon nhất thế giới “World's Best Rice” do một số doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thông cáo của The Rice Trader (TRT) khẳng định, đến thời điểm hiện tại chỉ có doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất được chính thức chấp thuận cho phép sử dụng biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” độc quyền cho mục đích tiếp thị và kinh doanh.

Thế nhưng, trên thực tế, có khoảng 10 Công ty Việt Nam đang sử dụng biểu tượng thương hiệu này để in trên bao bì, kinh doanh trên thị trường nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của TRT. Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”.

Cuộc chiến thương hiệu không chỉ tồn tại bên ngoài lãnh thổ mà trong nội địa đây cũng là vấn đề đáng quan ngại - Ảnh: TT

Cuộc chiến thương hiệu không chỉ tồn tại bên ngoài lãnh thổ mà trong nội địa đây cũng là vấn đề đáng quan ngại - Ảnh: TT

Thực tế này không chỉ đe dọa đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp độc quyền sở hữu nhãn hiệu mà còn ảnh hưởng chung đến toàn ngành gạo quốc gia, khi đại diện của TRT tại Việt Nam khẳng định: Nếu không có giải pháp thích hợp cho hành động này, ngoài việc công khai tên công ty vi phạm, tổ chức này cũng sẽ cân nhắc cắt quyền tham gia cuộc thi đối với quốc gia đang có những vi phạm tồn tại như đã nêu.

Đây là hiện trạng khiến dư luận vô cùng quan ngại khi những cuộc chiến bảo hộ nhãn hiệu giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài chưa lắng xuống, thì ngay tại trong nước, doanh nghiệp tiếp tục phải “nội chiến” với những kẻ “cơ hội”, thiếu minh bạch, thiếu công bằng trong cạnh tranh thương mại.

Lật lại lịch sử, thị trường nội địa cũng từng xảy ra không ít cuộc chiến xâm phạm nhãn hiệu như: Vụ tranh chấp nhãn hiệu mì Hảo Hảo và mì Hảo Hạng; Vụ vi phạm nhãn hiệu Asano với Asanzo; Tranh chấp về bản quyền tác giả đối với truyện tranh “Thần đồng đất Việt”;…

Tại thị trường nội địa cũng không ít vụ việc tranh chấp thương hiệu đã xảy ra như vụ việc mì hảo hảo và mì hảo hạng - Ảnh minh họa

Tại thị trường nội địa cũng không ít vụ việc tranh chấp thương hiệu đã xảy ra như vụ việc mì hảo hảo và mì hảo hạng - Ảnh minh họa

Hay như vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty Foremost Việt Nam (Công ty Foremost) và bị đơn Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh (Công ty Trường Sinh) đối với nhãn hiệu “Trường Sinh”.

Về phía nguyên đơn - Công ty Foremost cho rằng, sự xuất hiện của sản phẩm sữa đậu nành "Trường Sinh" trên thị trường đã làm giảm uy tín, giảm doanh thu sản phẩm bán ra trên thị trường vì đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dung, do đó, doanh nghiệp này đã tiến hành khởi kiện Công ty Trường Sinh ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu chấm dứt ngay hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa "Trường Sinh" và bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm quyền.

Về phía bị đơn - Công ty Trường Sinh lại đưa ra các lý lẽ phản đối và khẳng định đây là hai sản phẩm không cùng nhóm, cho nên không thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, tên gọi "Trường Sinh" chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, không thể làm hại đến Công ty Foremost, và không thể gây thiệt hại(?).

Từ vụ việc trên cùng với những tồn tại từ thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý trong quản lý liên quan đến sở hữu trí tuệ đang tồn tại nhiều bất cập nên mới dẫn đến hiện trạng đã nêu.

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 quy định “Người nào cố ý xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ....”. Về thuật ngữ “quy mô thương mại”, đây là thuật ngữ khoa học được sử dụng trong hiệp định TRIPS và tại Điều 61 của Hiệp định này quy định yêu cầu phải xử lý hình sự ít nhất đối với trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu với quy mô thương mại. Trong khi khái niệm “giả mạo nhãn hiệu” cũng chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào mà phải suy luận từ khái niệm “giả mạo hàng hóa”.

Việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ trong thị trường vẫn còn rất ít chưa đủ sức răn đe - Ảnh: TT

Việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ trong thị trường vẫn còn rất ít chưa đủ sức răn đe - Ảnh: TT

Cũng theo Luật sư Hiệp, tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định “Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này. Trong khi, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý".

“Đối chiếu với Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về những hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý có thể thấy rằng những hành vi được liệt kê tại Điều 129 được xem là những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Thuật ngữ “dấu hiệu khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ” cũng cần phải xem xét vì về bản chất tất cả các dấu hiệu bị coi là xâm phạm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nói chung đều khó phân biệt (không có khả năng phân biệt) với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ”, Luật sư Hiệp nêu quan điểm.

Có lẽ từ những bất cập trong hành lang pháp lý nên nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn coi nhẹ hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, ngang nhiên vi phạm, bất chấp quyền lợi của những chủ thể được bảo hộ nhãn hiệu.

Thực tế cũng cho thấy, về xử lý các vi phạm nhãn hiệu hiện nay cũng vô cùng ít ỏi, ngoài vụ việc của nhôm Việt Pháp Shal, sau đó đến vụ việc của Sabeco bị xâm phạm nhãn hiệu bia Saigon Vietnam thì mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cũng mới chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra vụ việc giả nhãn hiệu dây điện Trần Phú.

Trước các thực trạng đã nêu, hơn lúc nào hết, việc bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu góp phần khuyến khích, tạo lập và bảo vệ trật tự kinh doanh, hướng đến xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, tránh gây tổn hại cho những doanh nghiệp chân chính.

Có thể bạn quan tâm

  • PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Bảo hộ thương hiệu Việt – “Cuộc chiến không tiếng súng”

    PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Bảo hộ thương hiệu Việt – “Cuộc chiến không tiếng súng”

    15:00, 09/05/2021

  • Bảo hộ thương hiệu Việt: Võng xếp Duy Lợi và 2 lần vấp tại 2 thị trường lớn

    Bảo hộ thương hiệu Việt: Võng xếp Duy Lợi và 2 lần vấp tại 2 thị trường lớn

    04:30, 08/05/2021

  • Bảo hộ thương hiệu Việt: Kẹo dừa Bến Tre và bài học từ đối tác… “ruột”

    Bảo hộ thương hiệu Việt: Kẹo dừa Bến Tre và bài học từ đối tác… “ruột”

    04:30, 07/05/2021

  • Bảo hộ thương hiệu Việt: Vinataba và cuộc bạo chi tiền tỷ tìm lại “chỗ đứng”

    Bảo hộ thương hiệu Việt: Vinataba và cuộc bạo chi tiền tỷ tìm lại “chỗ đứng”

    04:00, 05/05/2021

  • Bảo hộ thương hiệu Việt: Bài học từ cà phê Trung Nguyên

    Bảo hộ thương hiệu Việt: Bài học từ cà phê Trung Nguyên

    04:10, 04/05/2021

GIA NGUYỄN