Hai vấn đề pháp lý “vụ gạo ST25”
Từ vụ việc ST25 có nguy cơ bị chiếm đoạt thương hiệu, có hai vấn đề pháp lý lớn liên quan đến luật sở hữu trí tuệ cần được lưu tâm.
Đó là, ST25 có phải là nhãn hiệu hay không và căn cứ nào để Ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon thế giới cảnh báo tước quyền tham dự cuộc thi?
Giống gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo đã gây tiếng vang lớn khi hai năm liên tiếp giành giải cao (giải Nhất 2019, giải Nhì 2020) tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” được The Rice Trader tổ chức thường niên. Chính vì thế, thông tin về việc ST25 bị các doanh nghiệp nước ngoài nộp 6 đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và 1 đơn tại Úc đã dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận.
ST25 không được bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu
Theo Hiệp định TRIPS 1994, một nhãn hiệu chỉ được bảo hộ khi có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác. Điều 15.1, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền Sở hữu trí tuệ 1994 (TRIPS). Trên cơ sở đó, pháp luật các nước tỏ ra khá tương đồng về việc không bảo hộ nhãn hiệu cho những đối tượng không có khả năng phân biệt như tên gọi chung, tên gọi thông thường hoặc những dấu hiệu chỉ chủng loại, phương thức sản xuất,… của sản phẩm.
Điều này được thể hiện rõ qua Khoản b, c, Điều 74.2 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành. Tương tự, Đạo luật Lanham 1946 Section 1052, Đạo luật Lanham 1946 của Mỹ về Nhãn hiệu của Mỹ và Luật Nhãn hiệu năm 1995 của Úc Section 41, Luật Nhãn hiệu 1995 của Úc cũng không cấp văn bằng bảo hộ cho những dấu hiệu là tên gọi chung của hàng hóa, dịch vụ.
Quay trở lại với ST25, giống gạo này đã được cấp Bằng bảo hộ số 21.VN.2020. Do đó, tại Việt Nam, bất kỳ ai muốn sản xuất giống gạo này đều phải được sự cho phép của chủ bằng bảo hộ là DNTN Hồ Quang Trí. Và cũng chính bởi vậy, ST25 đã trở thành tên gọi chung cho chủng loại gạo nên đương nhiên không được bảo hộ với tư cách nhãn hiệu cho bất kỳ chủ thể nào, kể cả DNTN Hồ Quang Trí. Thay vào đó, doanh nghiệp muốn bảo hộ sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường phải đăng ký dưới nhãn hiệu riêng của mình, đi kèm với việc sử dụng đúng tên giống cây trồng “gạo ST25”.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi liên quan đến pháp luật Mỹ và Úc. Về lý thuyết, hai quốc gia này cũng sẽ không chấp thuận bảo hộ cho dấu hiệu chỉ dẫn đến chủng loại cây trồng như gạo ST25. Tuy nhiên, tình trạng hồ sơ trên thực tế sẽ phụ thuộc phần lớn vào quá trình tra cứu của Thẩm định viên. Mặc dù ST25 giành được giải cao ở quy mô quốc tế, nhưng thông tin về tên giống lúa này còn rất hạn chế ở nước ngoài. Mặt khác, giống cây trồng ST25 chỉ được bảo hộ ở Việt Nam, nên không loại trừ khả năng Thẩm định viên nước ngoài sẽ bỏ qua dấu hiệu đó khi kiểm tra hồ sơ đăng ký nhãn hiệu.
Theo tra cứu, đơn đăng ký nhãn hiệu ST25 ở Úc mới chỉ ở giai đoạn kiểm tra hình thức. Trong khi đó, 5/6 đơn đăng ký tại Mỹ đã bị thông báo dự định từ chối, hoặc đình chỉ vì nhiều lý do khác nhau, chỉ duy nhất đơn đăng ký số 9009521 đã bước vào giai đoạn công bố đơn. Như vậy, về phía DNTN Hồ Quang Trí và ông Hồ Quang Cua cần gấp rút thực hiện việc phản đối đơn nói trên, đồng thời tiếp tục theo dõi các đơn đăng ký còn lại để tiến hành thủ tục phản đối khi cần thiết.
Cảnh báo tước quyền tham dự cuộc thi
Ngày 26/5/2021, The Rice Trader đã cảnh báo sẽ tước quyền tham dự cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam do vấn đề sử dụng trái phép thương hiệu hiệu cuộc thi của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, mặc dù DNTN Hồ Quang Trí là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được cho phép sử dụng logo “Worlds Best Rice” cho sản phẩm của mình, logo này vẫn được sử dụng bất hợp pháp bởi nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực. Là một cuộc thi lớn, đơn vị tổ chức chắc chắn rất lo ngại tình trạng sử dụng trái phép logo cuộc thi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của mình; do vậy, The Rice Trader có quyền cảnh báo tước tư cách tham dự của các đội thi Việt Nam.
Mặt khác, đối với các cuộc thi như Gạo ngon nhất thế giới, thông thường đơn vị tổ chức sẽ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và chỉ cấp quyền sử dụng cho các đội thi đạt giải. Sự khác biệt giữa nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thông thường chính là chủ sở hữu nhãn hiệu (thường là tổ chức trung lập có uy tín) không trực tiếp sử dụng nhãn hiệu, mà cấp quyền cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng nếu tổ chức, cá nhân đó đáp ứng các yêu cầu chứng nhận (trong trường hợp này là đạt giải cuộc thi).
Là chủ sở hữu quyền duy nhất ở Việt Nam logo “Worlds Best Rice”, DNTN Hồ Quang Trí cần có các động thái quyết liệt hơn trong việc chủ động ngăn chặn hành vi xâm phạm nếu không muốn bị tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cần sớm vào cuộc để chấm dứt tình trạng xâm phạm tràn lan, ảnh hưởng lớn đến cơ hội quảng bá thương hiệu nông sản qua các cuộc thi quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
'Cha đẻ' gạo ST25 đăng ký nhãn hiệu "GẠO ÔNG CUA" tại Mỹ
17:45, 10/05/2021
Vì sao cha đẻ ST25 muốn nhượng quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước?
04:50, 07/05/2021
Việt Nam triển khai biện pháp khẩn cấp khi gạo ST24, ST25 bị đăng ký nhãn hiệu ở Úc
17:11, 03/05/2021
Gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu: Thương vụ Việt Nam tại Mỹ vào cuộc!
02:05, 01/05/2021
Từ ST 25, doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?
04:30, 28/04/2021