Từ ST 25, doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

Diendandoanhnghiep.vn Hiện nay, với sự bùng nổ nhanh chóng của kinh tế thị trường, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng quy mô kinh doanh của mình ra trường quốc tế.

Các quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam hướng đến là những miền đất sôi động, tiềm năng, hứa hẹn nhiều cơ hội, mà một trong số đó phải kể đến chính là nước Mỹ.

Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết, không cá nhân, tổ chức nào được đăng ký độc quyền gạo ST25 mà chỉ được đăng ký khi có tên riêng đi kèm (Ảnh minh họa).

Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết, không cá nhân, tổ chức nào được đăng ký độc quyền gạo ST25 mà chỉ được đăng ký khi có tên riêng đi kèm (Ảnh minh họa).

Song song với việc nghiên cứu thị trường, vạch chiến lược kinh doanh, có một công việc vô cùng quan trọng nhưng vẫn bị nhiều doanh nghiệp khi Mỹ tiến bỏ qua, đó chính là bảo hộ thương hiệu – hay thuật ngữ pháp lý là “đăng ký nhãn hiệu”. 

Chính vì sự chủ quan, bỏ quên việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thực sự gặp khó khăn khi muốn mở rộng thị trường kinh doanh sang Mỹ. Trường hợp phổ biến nhất đó là các doanh nghiệp bị đối thủ cạnh tranh hoặc bên thứ ba đã đăng ký trước nhãn hiệu với dụng ý xấu. Ví dụ nóng nhất hiện nay cho tình huống này chính là vụ việc nhãn hiệu gạo “ST25” bị bốn doanh nghiệp Mỹ “cướp” thương hiệu tại quốc gia này.

Cụ thể, Ngon Fish Sauce, Inc. nộp một đơn ngày 22/10/2020, I&T ENTERPRISE, INC. nộp một đơn ngày 18/06/2020, TTM International Inc nộp một đơn ngày 10/08/2020, và Transworld Foods, Inc. nộp hai đơn lần lượt ngày 31/07/2020 và 01/09/2020. Như vậy, đã có tổng cộng năm đơn nhãn hiệu chiếm quyền đã được nộp tại Mỹ liên quan đến nhãn hiệu “ST25” của Việt Nam. 

Trong trường hợp này, chủ sở hữu đích thực của thương hiệu gạo “ST25” có thể tiến hành nộp yêu cầu phản đối cấp đối với các đơn đăng ký của bốn doanh nghiệp trên thông qua luật sư được cấp phép tại Mỹ nếu các đơn đăng ký trên vẫn còn thời hạn phản đối (30 ngày kể từ ngày đơn nhãn hiệu được đăng trên công báo quốc gia).

Căn cứ khả thi để phản đối là các đơn nhãn hiệu trên đã được nộp với động cơ không trung thực, nhằm dụng ý lợi dụng, chiếm đoạt tài sản sở hữu trí tuệ của người khác và gây khó khăn cho họ khi muốn mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc phản đối này sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức, và cơ hội thành công còn phụ thuộc vào chứng cứ mà phía chủ tại Việt Nam của thương hiệu gạo “ST25” có thể cung cấp để chứng minh “dụng ý xấu” của các doanh nghiệp Mỹ trên.

Trên thực tế, việc xử lý những tình huống bị “chiếm đoạt” tài sản sở hữu trí tuệ trên thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng là vô cùng khó khăn và phức tạp. Bởi vậy, điều mà các doanh nghiệp nước ta nên làm đó chính là đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ của mình càng sớm càng tốt, trước khi để xảy ra những tình huống như trên.

Đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ có thể được nộp thông qua hai cách, đăng ký trực tiếp tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United States Patent and Trademark Office – USPTO) thông qua một tổ chức luật sư được cấp phép, hoặc đăng ký thông qua hệ thống đăng ký quốc tế Madrid có chỉ định Mỹ.

Việc đăng ký qua hệ thống Madrid có thể sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, kênh đăng ký này có nhược điểm là nếu đơn đăng ký có thiếu sót hoặc bị phản đối, toàn bộ các bước xử lý tiếp theo đều vẫn phải tiến hành thông qua một tổ chức luật sư được cấp phép tại quốc gia này. Khi đó, việc tìm kiếm và làm việc có thể sẽ tốn thời gian và tiền bạc hơn là việc ngay từ đầu đã nộp đơn qua một tổ chức hợp pháp. 

Đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ phải được nộp dựa trên ít nhất một trong bốn cơ sở, gồm (1) nhãn hiệu đã được sử dụng, (2) nhãn hiệu có dự định sẽ được sử dụng, (3) nhãn hiệu có dự định sẽ được sử dụng dựa trên một đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, và (4) nhãn hiệu có dự định sẽ được sử dụng dựa trên một đơn đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài. Đối với căn cứ nộp đơn “có dự định sử dụng”, người nộp đơn sau đó cần nộp bổ sung tuyên bố sử dụng nhãn hiệu để nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ.

Trước khi nộp đơn, các chủ đơn cần lưu ý rằng quyền sở hữu nhãn hiệu theo pháp luật Nhãn hiệu Mỹ dựa trên cơ sở sử dụng (“first-to-use”, tạm dịch là ai sử dụng trước thì người đó có quyền). Một nhãn hiệu được nộp đơn đăng ký tại Mỹ có thể bị từ chối bảo hộ vì bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được sử dụng hợp pháp (dù chưa đăng ký) tại thị trường Mỹ trước ngày nộp đơn. Do đó, việc thực hiện tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn (bao gồm cả tra cứu các nhãn hiệu đã được sử dụng thực tế) tại Mỹ là vô cùng cần thiết.

Một lưu ý nữa đối với đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ, đó là đối với tất cả các nhãn hiệu đã được bảo hộ, vào thời điểm bắt đầu năm thứ 5 cho đến đầu năm thứ 6 kể từ ngày nhãn hiệu được đăng ký, chủ sở hữu nhãn hiệu phải nộp bản tuyên bố sử dụng hoặc không sử dụng với lý do chính đáng theo yêu cầu của Luật. Nếu không thực hiện thủ tục này hoặc thực hiện không đạt, nhãn hiệu đó sẽ bị chấm dứt hiệu lực.

Một đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường tại Mỹ sẽ mất khoảng từ 12 – 18 tháng tùy vào thực tế xử lý hồ sơ. Chi phí cơ bản trong trường hợp suôn sẻ có thể rơi vào khoảng 1,000.00USD, tương đương khoảng 23.000.000VNĐ. Chi phí này có thể sẽ cao hơn tùy vào độ phức tạp cũng như số lượng nhãn hiệu và nhóm sản phẩm/dịch vụ mà chủ đơn muốn đăng ký.

Có thể thấy, với một khoản chi phí bỏ ra không quá lớn, các doanh nghiệp đã có thể bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của mình. Đây cũng là một khoản chi phí nhỏ nếu so sánh với tiền bạc và công sức phải bỏ ra nếu nhãn hiệu bị “chiếm quyền” như trong tình huống gạo ST25 ở trên.

Đó là chưa kể những thiệt hại tiềm tàng xảy ra nếu việc “chiếm quyền” không được xử lý dứt khoát. Thậm chí, doanh nghiệp sẽ bị chính những đơn vị chiếm quyền kia ngăn chặn việc kinh doanh tại Mỹ. Bởi vậy, các doanh nghiệp hãy tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình ngay hôm nay, để phòng ngừa và ngăn chặn các rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong tương lai.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Từ ST 25, doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711709635 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711709635 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10